Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề “Chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu rõ: Phân biệt đối xử, bạo lực giới là vấn đề toàn cầu, phổ biến, gây ra những hệ quả nặng nề đối với nạn nhân, cộng đồng và toàn xã hội. Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực trong việc chống phân biệt đối xử và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Chính phủ Việt Nam trong những năm qua luôn ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong đó có việc chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới,… Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều phụ nữ và trẻ em phải chịu những tác động tiêu cực của tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực, xâm hại…
“Trong thời gian tới, việc xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật về quyền con người nói chung và pháp luật chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái, chống bạo lực trên cơ sở giới nói riêng tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận các đại biểu đã chia sẻ thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong nước, tình hình thi hành các quy định này, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em gái và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Ông Đỗ Đức Hiển, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng các chính sách, pháp luật hình sự là công cụ pháp lý hữu hiệu để phòng, chống các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các hành vi xâm phạm các quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, thực thi pháp luật về vấn đề này vẫn còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Ông Đỗ Đức Hiển phân tích, bạo lực gia đình xảy ra phổ biến nhưng rất ít vụ việc được xử lý hình sự do truyền thống văn hóa, nhận thức của người Việt về giá trị gia đình cũng như cơ chế ưu tiên hòa giải tại cộng đồng. Các vụ việc được xử lý hình sự thông thường là vụ việc điển hình, xâm phạm tính mạng hoặc xâm phạm nghiêm trọng sức khỏe, nhân phẩm của phụ nữ.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhiều hành vi bạo lực với phụ nữ cấu thành tội phạm chỉ được giải quyết khi có đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại. Điều này dẫn đến thực tế nhiều trường hợp nạn nhân hại bị đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc để không tố giác hành vi vi phạm, dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Ông Hiển đề nghị, cần rà soát để loại bỏ việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nhất là các tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe người khác, hiếp dâm, cưỡng dâm.