Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Đề án được thực hiện sẽ là cuộc cách mạng trong quản lý đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, tạo được thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cần được đẩy mạnh.
Doanh nghiệp gặp khó vì những định mức lạc hậu
Định mức và giá xây dựng bao gồm các đơn giá, giá dự toán, giá gói thầu, giá của dự án có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện dự án. Hiện vẫn còn 20.000 định mức được hình thành từ thời bao cấp đến nay không còn phù hợp với kinh tế thị trường. Nguyên tắc xác định đơn giá định mức, đơn giá vật liệu, đơn giá nhân công, đơn giá máy chưa phù hợp với kinh tế thị trường, đơn giá vật liệu chưa hoàn toàn theo điều kiện về thương mại.Bên cạnh đó, hệ thống định mức chưa có quy định áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý chi phí nói riêng, quản lý chi phí xây dựng nói chung...
Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng gặp khó. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) hiện, Công ty đang làm tổng thầu cho 3 nhà máy nhiệt điện và đang gặp nhiều khó khăn do định mức đơn giá gây ra. Đơn cử khâu lắp đặt kết cấu thép cho nhà tuabin, theo đơn giá của Bộ Xây dựng thì định mức lắp đặt này rất thấp bởi chỉ tính mức kết cấu thép cho các công trình đơn giản, nhà xưởng thông thường, trong khi đối với nhà máy nhiệt điện rất khó thực hiện nên phải huy động các máy cẩu lớn 200-300 tấn thay vì loại 30 – 50 tấn để làm những nhà tiền chế, như vậy chi phí khác nhau rất nhiều.
“Nếu vẫn áp dụng định mức để lắp đặt nhà tiền chế, nhà xưởng thông thường vào đấy làm thì chắc chắn DN chúng tôi thua lỗ” - ông Hùng cho biết.
Sự lạc hậu của hệ thống định mức và giá xây dựng còn thể hiện ở chỗ nhiều công nghệ mới được áp dụng trong thực tế song lại chưa được điều chỉnh trong quy định hiện hành. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Bình Lê Văn Nam dẫn chứng, hiện, 70 – 80% dự án của DN này đã sử dụng cốp pha nhôm với nhiều ưu điểm như chất lượng tốt, tốc độ thi công nhanh hơn, tiết kiệm được 30-40% nhân công. Tuy nhiên, cốp pha nhôm hay bê tông mác cao, thép cường độ cao... đều không có trong hệ thống định mức, đơn giá. Do đó khi thanh toán cần có đơn vị thẩm tra độc lập, song chính đơn vị này cũng chưa có kinh nghiệm khiến kết quả không hợp lý, gây thiệt hại cho nhà thầu, chủ đầu tư.
Hơn 1.000 định mức bị loại bỏ
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án Hoàn thành hệ thống định mức, giá xây dựng, ông Phạm Văn Khánh- Cục trưởng Kinh tế xây dựng Bộ Xây dựng cho biết: Đổi mới cơ chế chính sách về quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng là một nội dung quan trọng của Đề án, do vậy ngay trong năm 2018, Bộ Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định mới thay thế: Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Dự thảo 2 nghị định này đang trình Thủ tưởng Chính phủ sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
Theo ông Khánh, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát định mức xây dựng đã công bố. Riêng Bộ Xây dựng đã rà soát 14.738/14.738 định mức, loại bỏ 1.005 mức, sửa đổi 3.289 mức, bổ sung 1.120 mức; ở phần định mức hạ tầng kỹ thuật đô thị, đã rà soát 349/349 định mức, sửa 168 mức; ở phần suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu, đã rà soát, kiểm tra, đánh giá 596 tổng số suất vốn đầu tư, giá bộ phận kết cấu. Đặc biệt, qua rà soát, Bộ Xây dựng đã loại bỏ hơn 1.000 định mức lạc hậu; sửa đổi hơn 3.000 định mức, bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ, sát với thực tiễn; bổ sung hơn 2.000 định mức mới… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng, chống thất thu lãng phí trong đầu tư công.
Nhận định về Đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, Đề án là cuộc cách mạng trong quản lý đầu tư xây dựng. Hiện nay, công nghệ, năng suất xây dựng phát triển tốt nhưng kinh tế xây dựng, quản lý chi phí chưa theo kịp thị trường nên việc triển khai Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Triển khai Đề án hiệu quả sẽ góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, nâng cao năng suất ngành Xây dựng, tạo được thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng…” – ông Khánh nói.