Từ đầu năm 2017, việc Hà Nội tổ chức một cuộc thi tìm kiếm ý tưởng chống ùn tắc giao thông đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với giải Nhất lên đến 200.000 USD đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và giới chuyên gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều ý kiến băn khoăn về việc kết quả cuộc thi. Đại diện Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội đã trả lời về vấn đề này.
Trước những băn khoăn về việc Hà Nội không công khai kết quả cuộc thi tìm ý tưởng chống ùn tắc giao thông, đại diện Sở GTVT Hà Nội đã khẳng định sẽ sớm công bố rộng rãi thông tin về cuộc thi nói trên. Trong khi cộng đồng thì quan tâm hơn đến những giải pháp chống giải pháp giao thông hữu hiệu, hơn là việc chỉ tôn vinh những ý tưởng không mới mẻ…
Cần những giải pháp hữu hiệu chống ùn tắc giao thông Hà Nội.
Cuộc thi gấp gáp…
Từ đầu năm 2017, sự kiện Hà Nội tổ chức một cuộc thi tìm kiếm ý tưởng chống ùn tắc giao thông đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với giải Nhất lên đến 200.000 USD (tương đương với 4,4 tỉ VNĐ) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và giới chuyên gia.
Cũng ngay từ khi ấy, nhiều băn khoăn đã được đặt ra, rằng thời gian phải hoàn thiện việc nộp bài thi quá gấp gáp,những đơn vị cá nhân tham gia phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 19 đến 23/1 và hạn chót nộp bài thi là ngày 27/4. Cùng với đó là những tiêu chí khắt khe của cuộc thi đã phần nào hạn chế đối tượng tham gia, những ý tưởng sáng tạo đóng góp của người dân, chuyên gia…Vậy đây là một cuộc thi ý tưởng hay cuộc chỉ định thầu? Ông Vũ Văn Viện- giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, cuộc thi đưa ra 3 yêu cầu lớn. Một là đánh giá lại toàn diện phương án tổ chức giao thông của Hà Nội, gồm cả tồn tại và nguyên nhân. Hai là tổng kết mô hình tổ chức giao thông hiện đại của thế giới, trên cơ sở đó rút ra mô hình cho Hà Nội. Ba là ý tưởng tổ chức giao thông theo đầu bài cụ thể của thành phố.
Ngay sau khi cuộc thi được công bố, những chuyên gia đã lo ngại rằng với một cuộc thi gấp gáp như vậy, thật khó tìm giải pháp chống tắc đường Hà Nội. TS Đinh Thị Thanh Bình (trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải- ĐH Giao thông Vận tải) nhận xét: Thời gian thi quá ngắn nên khó có giải pháp tốt.
Theo TS Bình, Hà Nội đã có nhiều đề án nghiên cứu về ùn tắc giao thông ở các cấp khác nhau. Các đề án này đưa ra nhiều giải pháp chung cho giao thông đô thị song thiếu các “lời giải” chi tiết, ví dụ về hạn chế xe cá nhân thì chưa làm rõ hạn chế theo ngày, theo tuyến đường, hay theo phương tiện... Chúng ta cần đi vào chi tiết, nếu cuộc thi chỉ đưa ra giải pháp định hướng thì không cần thiết. Thậm chí theo bà Bình, với kinh phí được tài trợ như trên, thành phố nên làm chiến lược quản lý giao thông đô thị và kế hoạch tổ chức giao thông, thay vì tổ chức cuộc thi ý tưởng.
Còn ông Bùi Danh Liên- chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng: Hà Nội phát động phong trào hiến kế giải quyết ùn tắc giao thông để huy động tài lực, trí tuệ con người là rất tốt. Nhưng tiêu chí của cuộc thi nói trên còn nhiều bất cập. Ông Liên cũng đề xuất, để chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội có nhiều giải pháp nhưng cần xây dựng lộ trình cụ thể và làm thận trọng từng bước. Giải pháp dài hạn chính là hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng phải phát triển hạ tầng giao thông công cộng tốt để người dân có thể tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân. Còn giải pháp trước mắt là phân luồng giao thông hợp lý, hạn chế taxi vào giờ cao điểm ở một số tuyến phố.
Không có phương án nào mới
Trở lại với việc Hà Nội không công khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông từ cuộc thi nói trên, ông Vũ Văn Viện cho hay kết quả cuộc thi sẽ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của thành phố trong nay mai. Theo ông, mỗi phương án dự thi đều có những điểm mạnh riêng, nhưng về tổng thể không có phương án nào đạt đủ tiêu chí Ban tổ chức đề ra.Về phương án đạt giải nhì, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết đó là phương án tốt nhất trong các bài thi lọt vào vòng chung khảo. Thành phố sẽ tổng kết, nghiên cứu sâu các phương án để tổ chức giao thông hợp lý nhất cho Hà Nội.
Có thể thấy rằng, đây là cuộc thi có giá trị giải thưởng lớn nhất từ trước tới nay dành cho nhóm giải pháp chống ùn tắc giao thông Hà Nội. Vì thế khi hay tin Hà Nội đã công bố trao giải cho cuộc thi, dư luận quan tâm là điều tất yếu.
Trước đó đã có nhiều cuộc tọa đàm bàn về các giải pháp chống ùn tắc giao thông Hà Nội, nhằm trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, giới nghiên cứu… Gần đây, trong một thảo luận cùng chủ đề, KTS Phạm Thanh Tùng đã chia sẻ: Hiện những vấn đề khó gỡ đang nằm ở chỗ quy hoạch. Quy hoạch của chúng ta quá chậm. Như tuyến đường sắt trên cao triển khai thực hiện đã nhiều năm rồi chưa xong.
Chúng ta thực hiện quy hoạch nhưng chưa tới nơi. Ví dụ, khi quy hoạch đường vàng đai như đường vành đai 2, vành đai 3 nhưng không hề có bãi để xe để chuyển tiếp giao thông cá nhân lên giao thông công cộng. Như thế để giảm ùn tắc giao thông phải có sự đồng bộ trong quy hoạch, chứ không thể ngẫu hứng. Khi xe bus nhanh phát triển, tàu điện ngầm có thì tự người ta sẽ biết cách lựa chọn phương tiện thích hợp. Hơn nữa, số liệu tính toán làm giao thông cũng phải rất thận trọng cần sự kết nối giữa quy hoạch và giao thông. Rõ ràng, tránh ùn tắc không thể bằng những chỉ thị, nguồn gốc của nó chính là văn hóa, đặc biệt là văn hóa giao thông. Nếu không giải quyết tận gốc thì còn ùn tắc.