Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý, cần phát huy vai trò của chủ thể trong công tác giám sát, phản biện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả. “Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phải tích cực, chủ động hơn nữa với tinh thần dám nghĩ, dám làm”.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu trong buổi giám sát chiều 8/8.
Chiều 8/8, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực dẫn đầu Đoàn công tác kiểm tra, khảo sát 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại tỉnh Thái Nguyên. Ông Bùi Xuân Hoà, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên tham dự.
Tại buổi kiểm tra, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn cho biết: Sau 5 năm thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì giám sát 10 chuyên đề tại 67 đơn vị, địa phương. Riêng năm 2018 giám sát 3 chuyên đề: Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2017 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh trong các năm 2015 và 2016; việc triển khai, thực hiện hỗ trợ người có công tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài giám sát các chuyên đề, Ban Thường trực MTTQ tỉnh giám sát thường xuyên đối với văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia 86 đoàn giám sát do Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các đoàn thể chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chủ trì; giám sát hoạt động của đại biểu dân cử và chính quyền các cấp thông qua việc tiếp thu và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri; giám sát việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các Kỳ họp của HĐND tỉnh; giám sát tại các Hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền với đại biểu cử tri và giám sát thông qua các hoạt động khác của MTTQ.
Đáng chú ý, Ban Thường trực MTTQ tỉnh kiến nghị 71 nội dung đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Đến nay hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã khắc phục những tồn tại, hạn chế, kiến nghị mà Đoàn giám sát đã nêu. Trong đó, một số nội dung được khắc phục ngay như, Công ty Than Núi Hồng tổ chức vét bùn lắng tại các hồ lắng và rãnh gom nước mặt; làm hồ sơ báo cáo điều chỉnh sổ chủ nguồn chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường; cải tạo các hồ; sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị, xe máy đúng kỳ hạn; đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên xử lý ngay lượng bóng đèn huỳnh quang thải ra; treo bảng hướng dẫn quy trình vận hành xử lý nước thải của bệnh viện tại vị trí dễ quan sát; đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp bệnh viện nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. UBND huyện Đồng Hỷ xông khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính, văn bản pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực như: đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản…
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn báo cáo tại buổi làm việc.
Bên cạnh đó, MTTQ các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các Ban thanh tra nhân dân (TTND), Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), Ban công tác mặt trận tổ chức giám sát và vận động nhân dân tham gia giám sát theo quy định. Trong 5 năm, các Ban TTND thực hiện 1.843 cuộc giám sát; các Ban GSĐTCCĐ thực hiện 3.319 cuộc giám sát… Qua giám sát đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị 352 việc, đến nay đã cơ bản giải quyết xong theo đúng thẩm quyền.
Theo ông Sơn, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ các cấp đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để kiến nghị, góp ý với cấp ủy, chính quyền sửa đổi bổ sung các chủ trương, chính sách, quy định phù hợp, sát với thực tiễn; đồng thời mở rộng và phát huy dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, củng cố niềm tin và tăng cường quan hệ mật thiết của Đảng, Nhà nước với nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Hoạt động giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số đoàn thể chính trị - xã hội chưa chủ trì được nhiều hoạt động giám sát độc lập; việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát có lúc còn chưa phù hợp; đối tượng giám sát chủ yếu vẫn là các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cấp dưới, chưa thực hiện việc giám sát đối với các cơ quan, tổ chức Đảng và chính quyền cùng cấp, chưa tổ chức được nhiều việc giám sát cá nhân, nhất là giám đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp…
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn cũng nêu một số ý kiến như tỉnh còn lẫn giữa giám sát và kiểm tra, các địa phương còn đang lúng túng trong tổ chức hoạt động Ban GSĐTCCĐ ra sao, nhận thức, cách thức tổ chức phản biện xã hội còn lúng túng nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội…
Tiếp thu ý kiến của các thành viên trong Đoàn công tác, ông Bùi Xuân Hoà, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, nội dung cơ bản của giám sát, phản biện là để hiểu dân, nắm dân. Các đoàn thể phải bảo vệ hội viên, lợi ích của hội viên. Ông Hòa cũng đề nghị MTTQ và các đoàn thể phải triển khai công tác giám sát và phản biện theo hướng ngày càng đi vào thực chất. “Hiểu rõ lòng dân, làm sao cho dân tin, dân yêu là mong muốn của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực ghi nhận việc thực hiện Quyết định 217, 218 của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, nhất là công tác phối hợp trong giám sát Mặt trận và các đoàn thể rất tích cực. Nhận thức về công tác giám sát, phản biện nhìn chung đã được nâng lên.
Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và người dân đánh giá cao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh từ xây dựng nông thôn mới, chỉ số phát triển, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Phó Chủ tịch cũng lưu ý, cần phát huy vai trò của chủ thể trong công tác giám sát, phản biện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả. “Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phải tích cực, chủ động hơn nữa với tinh thần dám nghĩ, dám làm”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
* Sáng cùng ngày, Đoàn công tác đã kiểm tra tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thái Nguyên.
Tại đây, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực ghi nhận, trong 5 năm qua, công tác giám sát, phản biện của MTTQ TP Thái Nguyên đã đi vào trọng tâm và đạt được kết quả khá toàn diện, có nhiều cách làm hay. Giám sát, phản biện thời gian qua đã góp phần tạo nên sự ổn định trong đời sống, phát triển kinh kế - xã hội của TP Thái Nguyên.
Quang cảnh buổi làm việc sáng 8/8 tại MTTQ TP Thái Nguyên.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng lưu ý, cần phân định giữ kiểm tra và giám sát, giữa góp ý và phản biện, nhất là phản biện cần thực chất. “Làm tới đâu nói tới đó, tránh hình thức”.
Phó Chủ tịch mong muốn, trong kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm phải lựa chọn nội dung trọng tâm, tránh chồng chéo. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân và các đoàn thể phối hợp triển khai cũng như ghi nhận đầy đủ ý kiến của nhân dân nhằm tạo lòng tin trong nhân dân. “Vấn đề là hiệu quả và chất lượng”, Phó Chủ tịch kết luận.