Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng nhanh, căn cứ vào điều kiện thực tế, Hà Nội đã cho phép thí điểm cách ly F1 tại nhà. Theo nhận định của các chuyên gia, đây là một trong những giải pháp cần thiết để thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Khi F1 cách ly tại nhà
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận xét, ở một số tỉnh, thành phố, việc cách ly F1 tại nhà đã được thực hiện khá lâu nhưng hiện nay Hà Nội mới bắt đầu triển khai.
Tuy nhiên, Hà Nội cho rằng cũng cần thời gian thí điểm, khi thực sự an toàn đối với người được cách ly, gia đình được cách ly và khu dân cư có F1 cách ly tại nhà lúc đó mới triển khai trên diện rộng. Mật độ dân cư của Hà Nội rất cao, nguy cơ lây lan dịch rất lớn nên việc thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà đã phải cân nhắc rất kỹ nhiều vấn đề liên quan.
Xung quanh thông tin “F1 ở chung cư muốn cách ly tại nhà cần được sự đồng thuận của hàng xóm”, ông Khổng Minh Tuấn cho hay, việc những người ở các căn hộ bên cạnh (trong chung cư) có quyền được biết, được thông tin về việc bên cạnh mình có F1 đang cách ly tại nhà. Tuy nhiên là hàng xóm “đồng thuận” chứ không phải là “xin phép” hàng xóm mới được cách ly tại nhà. Khi họ đã đồng thuận thì chính những người hàng xóm này sẽ trở thành người giám sát việc chấp hành quy định cách ly tại nhà của F1, giúp giảm tải áp lực cho chính quyền địa phương hay các lực lượng liên quan.
Còn theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc cách ly F1 tại nhà rất cần sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, của cộng đồng, của cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhất là rất cần sự chấp hành nghiêm túc các quy định chống dịch của người dân.
Bà Hà cho biết, thành phố cũng đã có phương án điều trị F0 ở các trạm y tế lưu động để người dân được cung cấp dịch vụ từ sớm, từ xa ngay tại tuyến y tế cơ sở. Trước mắt, thành phố tổ chức thí điểm tại 5 quận, huyện: Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì, Mỹ Đức và Hoài Đức. Nếu đạt hiệu quả, Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn thành phố.
Chấp hành nghiêm quy định cách ly
Phân tích về ưu điểm của việc cách ly tập trung và cách ly tại nhà với F1, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, nếu thực hiện nghiêm và đúng quy định, thì cách ly tập trung quản lý được người nhiễm bệnh, tách được người nhiễm ra khỏi cộng đồng, không lây ra cộng đồng. Bên cạnh đó, vấn đề khử khuẩn, việc quản lý chất thải tốt và dễ hơn, cán bộ cơ sở y tế không phải tham gia nhiều mà có các lực lượng khác như quân đội, theo dõi diễn biến được người F1 liên tục ở khu cách ly tập trung, có camera để theo dõi…
Song nhược điểm của cách ly tập trung là, nếu thực hiện không tốt, không nghiêm, không đủ cơ sở vật chất, nằm nhiều người 1 phòng, chung phòng vệ sinh thì khả năng lây nhiễm chéo cao, F1 đến đây cũng không thoải mái, nhà nước phải bỏ kinh phí sẽ tốn kém.
Với cách ly tại nhà, ưu điểm là người nhà không phải đến cơ sở cách ly, người dân được ở nhà thì tâm lý có thể thoải mái hơn, kinh phí nhà nước đỡ hơn khi F1 ăn uống ở nhà. Nếu cách ly tại nhà nghiêm chỉnh thì ít ảnh hưởng lây nhiễm chéo hơn.
Tuy nhiên, theo ông Phu, nhược điểm của cách ly tại nhà là không tách F1 ra khỏi cộng đồng được, khó theo dõi hơn. Nếu F1 thiếu trách nhiệm thì có thể lây ra cho gia đình, cho cộng đồng. Mặt khác, việc khử khuẩn, xử lý rác thải khó hơn, người theo dõi y tế cơ sở không theo dõi được thường xuyên trong ngày, gây quá tải cho y tế cơ sở…
Dù thế thì ông Phu vẫn cho rằng Hà Nội không cần cách ly tập trung nữa. Cho dù vẫn nên tồn tại 2 hình thức cách ly, song nên thực hiện cách ly tại nhà, chỉ những ai không đủ điều kiện cách ly về phòng ốc, cơ sở vật chất thì mới đi cách ly tập trung.
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã có Công văn về việc điều chỉnh thời gian cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với F1. Trong đó quy định rõ với các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tiêm 1 mũi, hoặc chưa tiêm. Riêng với người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19): Thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện "Thông điệp 5K". Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định. Ngoài ra, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn 3 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 3 và lần 3 vào ngày thứ 7).