Các hãng hàng không đang rất cần nhận được các chính sách hỗ trợ để lấy lại sức và chuẩn bị “lên đường” khi điều kiện cho phép.
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 tổ chức vào chiều 27/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia. Mục tiêu kép mà chúng ta đưa ra bước đầu được thực hiện tốt như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp để không đứt gãy nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế không được chủ quan, coi thường, quán triệt tinh thần “sống chung với dịch” với những biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và có văn hóa ứng xử trong lúc dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp.
Thủ tướng bày tỏ, lo dịch là một chuyện nhưng lo nhất là thu nhập của người lao động, thất nghiệp tràn lan có thể xảy ra. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ban hành và hoàn thiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch, mặt khác, có phương án cụ thể để phát triển sản xuất kinh doanh. Các lực lượng công an và chính quyền địa phương hỗ trợ ngành y tế trong việc thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở cách ly; đặc biệt cần xem xét tăng dần chuyến bay đến các nước, kể cả thương mại và đưa người Việt Nam về một cách phù hợp theo khả năng có thể kiểm soát được.
“Cái giỏi của người lãnh đạo ở các địa phương, các ngành lúc này là thực hiện mục tiêu kép tốt nhất”, Thủ tướng nói.
Trên thực tế, nhiều tháng qua, để triệt để phòng, chống Covid-19, Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, khẩn trương, trong đó có việc hạn chế tối đa các chuyến bay tới nhiều quốc gia, cả hai chiều đi và đến. Đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài. Nếu như trên bộ, chúng ta đã quyết liệt chặn dịch “nhập khẩu” ở tất cả các tuyến biên giới (nhất là biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam), thì đường không cũng phải triệt để ngăn chặn. “Chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong”, đó chính là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, cả nước đồng lòng thực hiện rất hiệu quả suốt thời gian qua.
Sau đợt dịch Covid-19 thứ nhất, cho tới ngày 24/7/2020, cả nước đã qua 99 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, cho tới ngày 25/7, chính thức công bố ca nhiễm mới tại Đà Nẵng, đất nước lại bước vào giai đoạn mới phòng, chống Covid-19 với những diễn biến mới, khó lường, với 14 địa phương có ca lây nhiễm tại cộng đồng (trong đó nguồn lây nhiễm chủ yếu có nguồn gốc từ Đà Nẵng).
Như vậy, kể từ ngày 25/7 đến nay, chúng ta đã chống dịch Covid-19 trong tình thế mới, sống chung với dịch bệnh đòi hỏi cách ứng xử mới phù hợp.
Những kịch bản xấu nhất về lây nhiễm cộng đồng đã được đặt ra. Nhưng, nhờ vào những biện pháp rất quyết liệt (truy vết các ca lây nhiễm, khoanh vùng cách ly, mở rộng xét nghiệm y tế, tăng cường tối đa đội ngũ thầy thuốc giỏi, giàu kinh nghiệm cho vùng tâm dịch…), tới nay có thể nói chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, từng bước dập dịch. Từ đó, nhiệm vụ rất quan trọng cần phải được đặt ra: Đó là tăng tốc phát triển kinh tế trong tình hình mới. Trong đó, việc xem xét mở lại các đường bay không chỉ nội địa mà còn phải là quốc tế là rất cần thiết.
Đó không phải là thái độ chủ quan, nôn nóng mà chính là dựa trên thực tế đã và đang diễn ra cho phép chúng ta làm điều đó. Không chỉ đón đồng bào từ những nước có dịch trở về chữa trị, mà còn là những chuyến bay thương mại. Các hãng hàng không đã sẵn sàng chỉ đợi “mở cửa bầu trời” là cất cánh.
Tuy nhiên, cũng cần đánh giá đúng thực tế từ các hãng hàng không, đó là họ đã “mất lực” do nhiều tháng không bay, doanh số giảm sút nghiêm trọng. Vấn đề khiến các hãng bay đau đầu nhất hiện nay chính là việc dù máy bay ngưng hoạt động, trong khi vẫn phải chi trả hàng tỷ đồng chi phí mỗi ngày chỉ để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, dịch vụ bến bãi…
Lấy ví dụ với VietJet: Riêng trong quý II-2020 đã lỗ đến 1.100 tỷ đồng. Còn Vietnam Airline, con số còn khủng khiếp hơn: Dự kiến trong năm 2020 mức lỗ dự kiến lên đến 15.000 tỷ đồng.
Nói vậy không phải cho rằng sớm mở lại các tuyến bay thương mại là để “cứu” các hàng hàng không trong nước. Nhưng cũng cần nhận thấy rằng, các hãng hàng không đang rất cần nhận được các chính sách hỗ trợ để lấy lại sức và chuẩn bị “lên đường” khi điều kiện cho phép. Một cơ thể ốm yếu thì không thể “bay” lên được, mà cần được trợ lực để khỏe khoắn từ đó mới vươn tới những tầm cao.
Những kịch bản xấu nhất về lây nhiễm cộng đồng đã được đặt ra. Nhưng, nhờ vào những biện pháp rất quyết liệt (truy vết các ca lây nhiễm, khoanh vùng cách ly, mở rộng xét nghiệm y tế, tăng cường tối đa đội ngũ thầy thuốc giỏi, giàu kinh nghiệm cho vùng tâm dịch…), tới nay có thể nói chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, từng bước dập dịch. Từ đó, nhiệm vụ rất quan trọng cần phải được đặt ra: Đó là tăng tốc phát triển kinh tế trong tình hình mới. Trong đó, việc xem xét mở lại các đường bay không chỉ nội địa mà còn phải là quốc tế là rất cần thiết.