Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua, dịch bệnh trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 25 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 13 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay có 628 trường hợp, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Với bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 129 ca, tăng 45 ca so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn đến nay, thành phố ghi nhận 1.184 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng hơn 500 ca so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh ho gà cũng gia tăng với 15 ca mắc trong tuần, tăng 12 ca so với tuần trước. Ngoài ra, trong tuần qua TP Hà Nội còn ghi nhận một ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm 2024…
Để phòng chống dịch, Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng, chống dịch trong tuần tới, Sở Y tế Hà Nội đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trạm y tế căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu UBND xã, phường, thị trấn chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trên địa bàn, lưu ý các khu vực nguy cơ cao, khu vực ổ dịch cũ diễn biến phức tạp.
Chủ động giám sát chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2023 tại các quận, huyện: Tây Hồ, Gia Lâm, Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên.
Thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Tổ chức điều tra, xử lý kịp thời, triệt để ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để các ổ dịch bùng phát rộng. Thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh và báo cáo số liệu ca bệnh, ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh dại, đồng thời triển khai thực hiện các hoạt động liên ngành về phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định, dịch bệnh năm 2024 sẽ phức tạp hơn so với năm 2023, nếu không chủ động các biện pháp phòng, chống. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần chủ động trong cả nguồn lực, chủ động trong giám sát, dự phòng để dự báo sớm, nhận định đúng tình hình…
Không chỉ người dân cần thay đổi nhận thức về vaccine, chủ động phòng bệnh bằng vaccine, mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có nhiều giải pháp để cung ứng đủ vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và dịch vụ. Đặc biệt, với vaccine phải tiêm nhắc lại, người dân cần ghi nhớ lịch để tiêm đủ mũi, đủ liều. Ngoài ra y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét để hạn chế tối đa các “khoảng trống” tiêm chủng.