Mưa lũ đi qua luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Sau mùa mưa bão và ngập úng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và dịch bệnh phát triển gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như môi trường sống của người dân.
Nguy cơ bùng phát các ổ dịch
Theo BS Nguyễn Trung Cấp (BV Bệnh Nhiệt đới trung ương), khi xảy ra mưa lũ, úng lụt các bệnh lây truyền qua nước sẽ có nguy cơ bùng phát hàng đầu. Đó phải kể đến các bệnh như tả, lị... Ngoài ra, một số bệnh khác như tiêu chảy do rota vi rút, tay chân miệng, tiêu chảy do khuẩn E.coli, tình trạng nhiễm giun sán... cũng sẽ có cơ hội lây truyền nhanh hơn. Nguyên nhân là do ô nhiễm phân do môi trường bị úng ngập nên nguồn bệnh rất dễ lây lan. Lại trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo do nước ngập, nếu ăn, uống phải các nguồn nước, thực phẩm nhiễm các vi khuẩn, vi rút này sẽ rất dễ lây bệnh.
Bởi vậy, trong trường hợp vùng bị mưa lũ, nếu phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước (1 gam phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó nước cần được khử trùng bằng cloramin B hoặc clorua vôi. Nếu là cloramin B dạng viên 0,25 gam rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại,... một viên 0,25 gam dùng cho 25 lít nước. Nước khử trùng 30 phút sau là sử dụng được. Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo, nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường khác như: Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc. Với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu ở nhiệt độ phòng phải được nấu lại trước khi ăn để tránh ngộ độc do vi khuẩn.
Bảo vệ môi trường sống
Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc như: Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Ðiện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội hứng chịu các đợt mưa lớn, kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ. Mưa lũ kéo dài là điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra môi trường, gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn,...
Bộ Y tế đã đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế đóng trên địa bàn hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh với tinh thần nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Ðẩy mạnh công tác giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các đơn vị y tế đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa, lũ; bảo đảm nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, chất lượng; chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; xử lý xác súc vật chết; thu gom rác thải sinh hoạt và tiêu hủy đúng quy định, không để ô nhiễm môi trường gây dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ các địa phương giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút; dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát.