Chủ động, sáng tạo để vươn lên - Bài cuối: Một thành phố thông minh đang dần hiện hữu

Quốc Định 13/12/2022 09:00

Cách đây khoảng sáu năm, Bình Dương bắt tay vào xây dựng Đề án Thành phố thông Minh (TPTM) Bình Dương với mô hình học hỏi từ TP Einhoven, Hà Lan. Đề án như “kim chỉ nam” cho chiến lược phát triển của Bình Dương trong giai đoạn hiện nay, giải quyết trực tiếp các thách thức của tỉnh bằng những đề án cụ thể, tạo những đòn bẩy trên nhiều khía cạnh của xã hội.

Ba năm liền lọt vào top cao thế giới

Đến nay, đề án đã định hình và trực tiếp tham gia giải quyết những thách thức hiện hữu của tỉnh bằng những đề án được phân loại theo từng vấn đề như: Vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ, sức ép về quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông, phát triển triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh thực hiện phát triển mạnh mẽ hạ tầng băng thông rộng tại Bình Dương…

Đề án TPTM Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành công với những kết quả hiện thực trên nhiều lĩnh vực, đồng thời được quốc tế ghi nhận với 3 năm liên tiếp từ 2019, Bình Dương được Diễn đàn các cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bầu chọn trong Top 21 và đặc biệt năm 2021, Bình Dương được bầu chọn trong Top 7 các thành phố có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu.

Định hướng xây dựng TPTM trong giai đoạn 2021 - 2026, Bình Dương đã và đang hình thành quy hoạch cụ thể dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ đặt tại huyện Bàu Bàng; khu Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC) đã vào hoạt động; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng logistics đường sông, đường sắt; triển khai Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương; Hệ thống thông tin địa lý GIS trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính; truyền thông định vị thương hiệu Bình Dương trên trường quốc tế; kết nối quốc tế, xúc tiến thương mại; tiếp tục xây dựng và phát triển làng thông minh...

Thành phố thông minh sẽ giúp kết nối giao thông thêm an toàn, thuận tiện hơn.

Tháng 4 năm 2022 vừa qua, tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm giám sát và điều hành thành phố thông minh (gọi tắt IOC) trên 22 lĩnh vực với 611 chỉ tiêu trong phạm vi của tỉnh làm cơ sở để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lê Tuấn Anh cho biết, thông qua Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương, nhiều lĩnh vực quan trọng được tích hợp tự động, thậm chí giám sát trực tuyến kết nối về trung tâm đầu não để phân tích dữ liệu như kinh tế - xã hội, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bao quát để phục vụ điều hành chung, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi chính quyền điện tử theo hướng thông minh.

Theo ông Lê Tuấn Anh, chỉ tính riêng lĩnh vực an ninh trật tự - an toàn giao thông hiện Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương đã vận hành kết nối hơn hàng trăm camera từ các huyện/thị để giám sát tình hình giao thông, nhiều camera tầm cao cho phép quan sát toàn khu vực thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Thuận An. Từ định hướng camera sẽ được chia sẻ lên các ứng dụng để người dân và doanh nghiệp có thể truy cập thông tin giao thông các tuyến đường đi. Đây cũng là tiêu chí quan trọng trong đô thị thông minh.

Tại Trung tâm cũng tích hợp giám sát trực tiếp chỉ tiêu về thông tin quan trắc môi trường, tình hình nước thải, khí thải và được số hóa trên bản đồ vị trí. Khi có các chỉ tiêu vượt mức quy định sẽ được xử lý nhanh.

Vươn lên tầm cao mới

Trải qua 26 năm phát triển đúng hướng và tích cực, từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã chuyển mình mạnh mẽ vươn lên thành một tỉnh công nghiệp hóa, đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thu nhập bình quân của người dân. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 515.000 tỷ đồng; hơn 4.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 37 tỷ USD.

Bình Dương đã trở thành một trong những điểm sáng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh đang có nhiều cơ hội để mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế, phát huy hiệu quả đề án thành phố thông minh trong tương lai. Đặc biệt, đến nay, tỉnh Bình Dương đã "lên hạng" với 3 thành phố; trong đó có 1 đô thị loại 1, 4 đô thị loại 3 và 5 đô thị loại 5.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Becamex IDC, Bình Dương đã bắt tay xây dựng nền móng TPTM là nhờ "đòn bẩy" Khu Liên hợp đô thị - dịch vụ - công nghiệp Bình Dương được quy hoạch bài bản với tầm nhìn 50 năm, trở thành trung tâm mới của Bình Dương. Nơi đây thành hệ sinh thái khởi nghiệp thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Quy hoạch đô thị, giao thông, đổi mới sáng tạo, công nghiệp, nguồn nhân lực là những yếu tố cốt lõi trong xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương.

Theo lãnh đạo UBND Bình Dương, tỉnh sẽ tiếp tục kết hợp với thành phố Eindhoven (Hà Lan), tổ chức Brainport, EIPO, triển khai "Đề án Thành phố thông minh". Đây được xem là động lực quan trọng để địa phương khôi phục sau làn sóng Covid-19 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, một trong những nội dung trọng tâm của đề án là quy hoạch vùng đổi mới sáng tạo để đưa tỉnh vươn cao hơn nữa trên trường quốc tế, gia nhập các hiệp hội uy tín trên thế giới. Tất cả sẽ phát triển dựa vào mô hình hợp tác chặt chẽ giữa các bên, tập trung triển khai mô hình 5 lớp.

Lớp thứ nhất là quy hoạch đô thị và giao thông tập trung theo mô hình TOD - lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Các dự án tiếp theo sẽ là cải tạo và nâng cấp quốc lộ 13 bằng việc xây dựng các cầu vượt, hầm chui, đường gom, đường song hành dọc theo tuyến để giải "bài toán" ùn tắc giao thông.

Lớp thứ hai, Bình Dương sẽ xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo lấy trường Đại học Quốc tế Miền Đông làm trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trường đại học này hiện có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động với ý tưởng mới, ứng dụng vào thực tế cuộc sống.

Lớp thứ ba là thu hẹp khoảng cách giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp. Đây là yêu cầu cấp bách của Bình Dương trong giai đoạn mới, để phát triển kinh tế cân bằng. Tỉnh xây dựng trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương - "cánh cửa" giúp tỉnh giao thương với 230 trung tâm thương mại thế giới trên toàn cầu.

Lớp thứ tư là phát triển công nghiệp. Bình Dương có nền tảng công nghiệp lớn vì vậy việc phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư rất phù hợp để phát triển công nghiệp 4.0.

Phát triển nguồn nhân lực là lớp quan trọng và quyết định sự thành công của mô hình 5 lớp. Bởi vậy tỉnh xem chiến lược phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi trong việc triển khai và phát triển thành phố thông minh.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đề án Thành phố thông minh sớm trở thành hiện thực. Các dự án trọng điểm đang được tập trung triển khai như: khu công nghiệp khoa học công nghệ; trung tâm thương mại thế giới WTC; mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Tỉnh đang từng bước tổng hợp cơ sở dữ liệu của từng ngành, làm nền tảng xây dựng Trung tâm điều hành thành phố thông minh và vận hành trước tháng 6 năm sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động, sáng tạo để vươn lên - Bài cuối: Một thành phố thông minh đang dần hiện hữu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO