Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2019 tăng cao nhất trong 9 năm, tăng 0,96% so với tháng trước. CPI tháng 11/2019 tăng 3,78% so với tháng 12/2018 và tăng 3,52% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính được cho là do giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.
Điều này cho thấy trong tháng cuối năm này thị trường có thể tiếp tục biến động, cộng thêm các hoạt động buôn lậu gia tăng.
Kiểm tra hàng nhập khẩu tại Lạng Sơn.
Tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng, cùng đó năm nay Tết Nguyên đán đến sớm cũng sẽ là dịp tư thương gom hàng, tích hàng. Do đó, giá tiêu dùng tăng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhận định tình hình rõ ràng sẽ tránh thụ động trong việc bình ổn thị trường không để “con ngựa giá” phi mã.
Việc bình ổn thị trường cũng như khống chế lạm phát là mục tiêu lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng trong việc giữ giá trị của chỉ số tăng trưởng GDP. Vì rằng, tăng trưởng GDP có cao nhưng nếu lạm phát cũng tăng theo thì giá trị thật sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Thực tế cho thấy, việc linh hoạt trong điều chỉnh giá, khống chế lạm phát cũng như chuẩn bị khối lượng hàng hóa lớn cho dịp Tết dương lịch cũng như Tết Nguyên đán vài năm trở lại đây đã góp phần tích cực trong việc bình ổn giá. Năm nay, cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên do nguồn cung thịt lợn hạn chế (do dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn suy giảm) thì đây sẽ là khó khăn cho việc cung ứng thực phẩm trong khoảng từ 2 đến 3 tháng tới. Thịt lợn là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình, loại thịt này cũng được sử dụng trong nhiều món ăn dịp Tết truyền thống, nên đây sẽ là khó khăn không nhỏ, chỉ nói riêng về giá cả.
Tháng cuối năm cũng là thời điểm gia tăng các hoạt động buôn lậu, nhất là buôn lậu qua biên giới. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như các tỉnh biên giới Tây Nam, ngay từ cuối tháng 11, hoạt động buôn lậu cũng đã nóng lên.
Ngày 29/11, Đội Quản lý thị trường số 27 (Cục Quản lý thị trường TPHCM) kiểm tra kho hàng trên đường Hồ Học Lãm (quận 8, TPHCM) đã phát hiện trong kho đang chứa trữ gần 300 bộ máy lạnh (300 dàn nóng và 300 dàn lạnh), lô hàng vi phạm trị giá khoảng 700 triệu đồng. Số hàng này được đưa từ Campuchia về TPHCM bằng đường bộ. Tại các tỉnh Long An, An Giang và Tây Ninh, hoạt động buôn lậu qua biên giới tăng mạnh, trong đó có mặt hàng điện tử, điện lạnh cũ. Gần đây lại xuất hiện cả việc buôn lậu lợn. Mới đây, lực lượng chống buôn lậu tỉnh Long An bắt giữ 5 vụ buôn lậu từ Campuchia vào Việt Nam, với 165 con lợn, tổng trọng lượng gần 12 tấn, trị giá hơn 525 triệu đồng. Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, tại khu vực biên giới, các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, các ngày nghỉ và hành động rất manh động, chống trả quyết liệt khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Còn theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, dịp cuối năm hàng hoá nhập lậu đưa vào địa bàn thành phố với số lượng lớn liên quan đến nhu cầu mua sắm Tết, như thuốc lá, bánh kẹo, mứt, rượu bia, quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm.
Với Hà Nội, thị trường chính tiêu thụ và trung chuyển hàng hóa của miền Bắc, tháng 12 cũng là tháng cao điểm chốn buôn lậu. Theo Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội), cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất. Nhiều mặt hàng từ Trung Quốc được các đối tượng buôn lậu đưa sâu vào nội địa, gần như “tập kết” tại Hà Nội, gồm rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, sản phẩm công nghệ, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống...
Nhận diện rõ khó khăn của tháng cuối năm cũng là để sẵn sàng các phương án. Một mặt, các Sở Công thương chuẩn bị sẵn nguồn hàng để tung ra thị trường khi cần thiết, nhằm bình ổn giá và cung cấp khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Mặt khác cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu trên các tuyến biên giới. Điều này là công tác thường xuyên, nhưng vào tháng cuối cùng của năm cần phải được đẩy mạnh hơn. Không thể nói do lực lượng mỏng nên không kiểm soát được tình hình. Quản lý thị trường, hải quan, công an, chính quyền địa phương… cùng phối hợp hành động, nêu cao tinh thần trách nhiệm thì nhất định sẽ hạn chế được các hoạt động buôn lậu qua biên giới.
Nói tóm lại, nhận diện và chủ động kiểm soát tình hình là nhiệm vụ trọng tâm của tháng cuối năm. Nhiệm vụ đó vừa để giữ được sự lành mạnh của thị trường, cung cấp đủ hàng hóa cho xã hội, kiềm chế tăng giá… và cũng là góp phần tích cực vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; bên cạnh việc bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp trong nước trước sự tấn công của hàng nhập lậu từ nước ngoài.