Chủ động ứng phó thiên tai

Nguyên Khánh 29/03/2018 10:30

Không chỉ “bắt bệnh” mà phải tìm ra giải pháp căn cơ để ứng phó với “bệnh của trời” với nhiều giải pháp toàn diện nhằm giảm nhẹ những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, đó những thông tin tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai (PCTT) diễn ra ngày 29/3. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Chủ động ứng phó thiên tai

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Thiên tai ngày càng khốc liệt

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Cường cho biết, năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên Biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đã đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung Bộ.

Thiệt hại của bão số 10 làm 6 người chết, 3,200 nhà bị sập, đổ gần 200.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, nước dâng, sóng lớn gây hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế… Về kinh tế khoảng 18.402 tỷ đồng. Còn với bão số 12, cơn bão này đã làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng bè nuôi thủy sản, về kinh tế thiệt hại 22.679 tỷ đồng.

Không chỉ là bão, năm qua các đợt mưa lớn cũng gây lũ lụt hết sức nghiêm trọng, cụ thể sau bão số 12 tháng 11/2017 tại các tỉnh miền Trung đã gây ngập sâu tại nhiều tỉnh, thành phố huế, TX Hội An vào tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC, một số nơi ở Nam Trung Bộ ngập lụt sâu kéo dài trên 1 tháng.

Năm 2017 lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng các tỉnh miền núi tại Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam…Lũ quét, sạt lở làm 71 người chết và mất tichsm 4.109 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Hiện nay vẫn còn tới 13.246 hộ đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn, có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.

Thiên tai ngày càng khốc liệt, Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nhận định. Theo ông Duy, năm 2017 thiên tai đã làm tỉnh Yên Bái thiệt hại khoảng 1.855 tỷ đồng. Lũ quét, sạt lở đất có mức độ tàn phá hết sức khốc liệt gây hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng cũng như công trình hạ tầng, công trình dân dụng, phá hủy ruộng đất canh tác, rừng và môi trường sinh thái. Đặc biệt khi lũ quét xảy ra tại vùng dân tộc thiểu số, kinh tế kém phát triển, đời sống khó khăn thì tính chất khốc liệt được nhân lên gấp bội.

Cảnh báo, cứu hộ thủ công

Khi phát hiện ra một vết nứt ở trên đỉnh núi gây nguy hiển, chúng tôi phải mất nửa ngày mới lên được đỉnh núi. Giá có phương tiện hiện đại hơn như Ply cam hoặc máy bay không người lái đâu mất nhiều sức như vậy.

Hay khi lũ quét xảy ra, có những vùng chúng tôi phải đi bộ mất 2 ngày mới vào đến hiện trường, nhiều huyện đến xã ít nhất mất nửa ngày dù biết là lũ đến, nhưng lực lượng chức năng tiếp cận được hiện trường thì lũ đã đi qua... nếu có phương tiện hiện đại hơn việc cứu hộ sẽ không khó khăn đến thế. Vì vậy phải tăng cường trang sắm trang thiết bị thông tin liên lạc cho cơ sở, đại diện tỉnh Yên Bái nói.

Đại diện tỉnh Hòa Bình chia sẻ, nguồn lực của địa phương còn nhiều hạn hẹp, thiên tai lại gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng, phá hủy nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sự hỗ trợ của Trung ương tuy đã kịp thời những vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong khi đó, công tác cập nhật tình hình thiên tai còn chậm do thiên tai xảy ra bất ngờ, chính quyền địa phương chưa kịp thông tin cho cấp trên. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ chỉ huy điều hành ở các cấp còn thô sơ và thiếu, đôi khi thông tin liên lạc bị ngắt quãng do… mất điện.

Thừa nhận công tác dự báo, cảnh báo sớm còn rất nhiều hạn chế và sai sót, chưa thực hiện được dự báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, chủ yếu mới chỉ dự báo được mưa và lũ trên các triền sông chính Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hệ thống trạm đo mưa hầu hết vẫn đang ở dạng đo mưa thủ công nên tác dụng dự báo bị hạn chế nhiều.

Trong khi đó phương án ứng phó thiên tai đã được xây dựng nhưng chưa thực sự sát với thực tế; Các kịch bản đặt ra còn mang nhiều tính lý thuyết, chưa dự báo được các sự cố thiên tai xảy ra dẫn đến việc ứng phó với sự cố thiên tai còn nhiều lúng túng, bất cập. Việc xác định các loại hình thiên tai chưa gắn sát được với các khu vực cụ thể chi tiết nên còn bị động trong việc phòng chống; Kế hoạch phòng chống thiên tai của các ngành, các địa phương còn mang nặng tính chung chung, hình thức khó triển khai ra ngoài thực tế.

Nguyên nhân của thực trạng này theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có nguyên nhân chủ quan là một số địa phương còn có tình trạng chủ quan, chưa đánh giá hết mức độ nguy hiểm của thiên tai, còn nể nang, né tránh chưa kiên quyết trong việc đôn đốc, hướng dẫn, cưỡng chế người dân khi xảy ra thiên tai mưa lũ. Còn nhiều trường hợp, chính quyền địa phương vẫn để người dân khi có thiên tai mưa lũ chưa chịu di dời hoặc vẫn tham gia các hoạt động giao thông, đánh bắt thủy sản... tại vùng nguy hiểm

Chỉ vận động, thuyết phục, không kéo người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Để phòng chống, giảm nhẹ thiên tai Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã đưa ra nhiều giải pháp. Chẳng hạn phải sớm xây dựng một đề án mang tính tổng thể về ứng phó, khắc phục thiên tai cho khu vực các tỉnh miền miền núi phía Bắc, trong đó chú trọng hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai, hệ thống thông tin liên lạc nhằm đảm bảo ổn định đời sống, nơi ở an toàn và sinh kế bền vững cho nhân dân các dân tộc khu vực này. Xây dựng Trung tâm điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia đảm bảo đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát hoạt động xã hội, cơ sở hạ tầng PCTT, tình hình diễn biến thiên tai,… để tham mưu nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả;

Hoàn thành xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ đập, sơ tán dân khẩn cấp bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất trong năm 2017 theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng chương trình tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực: miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, đề nghị cần hỗ trợ kinh phí xử lý cấp bách các tuyến đê, di dời dân cư khỏi vùng nguy hiểm. Phương tiện phục vụ cứu hộ trên biển rất thiếu rất cần TƯ “cấp cứu”. Một vấn đề nữa đại diện Thanh Hóa đưa ra là phải có chế tài xử phạt hành chính, cưỡng chế đối tượng không chấp hành lệnh sơ tán. Nếu chỉ thuyết phục thì không đủ mạnh để kéo người dân khỏi vùng nguy hiểm.

Trong vòng 20 năm qua, mỗi năm thiên tai làm 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP, ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội, đồng thời tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm nhưng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi có xu hướng gia tăng. Nguy cơ rủi ro thiên tai và thiệt hại ngày càng gia tăng đã và sẽ gây thiệt hại ngày càng lớn về người, tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó thiên tai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO