Xã hội

Chủ động ứng phó với bão Wipha

Ngọc Anh – Hạnh Nguyên – Thái Nhung – Duy Hưng – Đình Minh 22/07/2025 08:26

“Tạm dừng các cuộc họp không thật cần thiết để tập trung ứng phó với bão” - đó là yêu cầu của Chính phủ trước nguy cơ bão số 3 (Wipha) gây ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trước giờ bão đổ bộ, các địa phương đã huy động tối đa lực lượng phòng, chống bão.

Anh chinh
Lực lượng chức năng cùng người dân phường Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đưa thuyền về nơi tránh trú bão. Ảnh: Nguyễn Chung.

Chống bão từ sớm, từ xa, từ cơ sở

Là một trong những địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng của bão số 3, từ khoảng 13h ngày 21/7, tại Đặc khu Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 kèm theo mưa vừa, mưa to. Để ứng phó với cơn bão được đánh giá mạnh ngang bão Yagi năm ngoái, Quảng Ninh đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão số 3 để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Ghi nhận của PV Báo Đại đoàn kết vào sáng 21/7, tại các khu neo đậu trên địa bàn phường Bãi Cháy, Hà Tu, Cao Xanh, Đặc khu Cô Tô, Đặc khu Vân Đồn… đều đã chật kín tàu thuyền. Kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão số 3 tại phường Bãi Cháy và phường Việt Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng chỉ đạo chính quyền phường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng duy trì lực lượng ứng trực thường xuyên tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh. Doanh nghiệp vận hành cảng bến chủ động triển khai công tác phòng chống bão, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của bão. Các địa phương có khách du lịch tuyến đảo như Vân Đồn, Cô Tô,… đã tổ chức huy động tối đa nhân lực, phương tiện để đưa khoảng 14.000 du khách về đất liền an toàn trước khi xuất hiện mưa lớn và gió mạnh.

Anh 3
Lực lượng chức năng đặc khu Cát Hải (TP Hải Phòng) tuyên truyền ngư dân vào bờ tránh bão. Ảnh: Phương Thanh.

Qua rà soát, toàn tỉnh còn có 2.528 nhà có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở, chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng... UBND các địa phương đã thông tin và lập phương án di dời khi có nguy cơ và thông báo để các hộ dân chủ động thực hiện. Các địa phương trong tỉnh tổ chức rà soát các vị trí xung yếu, các điểm nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn, đặc biệt là các công trình kè taluy, kiến trúc trên sườn dốc; tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống cống thoát nước trên địa bàn để phòng ngập úng; chỉ đạo rà soát, tổ chức chặt tỉa cây xanh đô thị, gia cố lại các biển quảng cáo, cột viễn thông, kiến trúc có chiều cao lớn… để đảm bảo an toàn trước gió mạnh. Các hồ chứa đã được hạ thấp mực nước, chủ động đón lũ do mưa hoàn lưu sau bão.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và tài sản, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chỉ đạo các đơn vị khai thác lộ thiên, hầm lò tạm dừng sản xuất từ ca 2 đến hết ca 3 ngày 21/7 để kiểm tra toàn diện công tác phòng, chống bão. Ngành than đã chủ động xây dựng phương án ứng phó, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng xử lý tình huống xấu do bão gây ra và hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu...

Anh 2
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhật Lệ (tỉnh Quảng Trị) thông báo, kêu gọi, kiểm tra phương tiện tàu thuyền khẩn trương vào neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn. Ảnh: TTXVN.

Chủ động để giảm thiểu thiệt hại không đáng có

Ghi nhận của PV Báo Đại đoàn kết tại cảng Cửa Sót (xã Lộc Hà, Hà Tĩnh), tất cả các hoạt động đánh bắt, buôn bán hải sản đã dừng lại, thay vào đó là việc sắp xếp neo đậu tàu thuyền. Bên trong âu tránh trú bão, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh tập trung neo đậu an toàn, chằng néo, gia cố ngư lưới cụ, căng bạt che chắn bảo vệ các vật dụng trên thuyền.

Tranh thủ lúc thời tiết yên bình, ngư dân Nguyễn Văn Lâm – chủ tàu cá NA 78486 TS (quê ở phường Quỳnh Mai, Nghệ An) sửa lại bộ tời của máy. “Nghe tin về bão Wipha, tôi đã tấp thuyền vào đây đã 3 ngày. Tàu cũng đã được chằng néo cẩn thận rồi, tôi tận dụng thời gian rảnh để sửa lại máy móc. Hy vọng bão qua nhanh để bà con ngư dân sớm vươn khơi” - ông Lâm nói.

Công tác ứng phó với bão số 3 được ngư dân địa phương chủ động thực hiện để tránh tổn thất thấp nhất. Ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, tất cả các chủ tàu thuyền trên địa bàn đã nhận được thông tin cảnh báo. Các hoạt động phòng chống bão số 3 được đơn vị triển khai đồng bộ, kịp thời”.

anh chinh 4
Tại phường Sầm Sơn (Thanh Hóa), người dân cùng với các lực lượng chức năng khẩn trương đưa bè mảng đến nơi trú ẩn. Ảnh: Nguyễn Chung.

Sẵn sàng các phương án ứng phó

Hà Nội được dự báo là một trong những địa phương sẽ bị ảnh hưởng lớn của bão số 3 về sức gió và lượng mưa. Trước tình hình hình trên, ông Nguyễn Duy Du - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, về phương án hộ đê, Hà Nội triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm; thường xuyên theo dõi diễn biến bờ sông, bãi sông, các vị trí trọng điểm xung yếu, các vị trí đê sát sông. Đồng thời, có văn bản gửi đến các chủ đầu tư đang triển khai thi công công trình liên quan đến đê điều trong đó yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương triển khai trên thực tế phương án phòng chống thiên tai; rà soát các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông khi qua khu vực thi công.

Đặc biệt đối với các tuyến đê trên địa bàn thành phố nói chung và các tuyến đê xung yếu phía Đông Nam thành phố nói riêng, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các Hạt Quản lý đê tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống qua đê, bờ bãi sông (đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở,...); chủ động phương án vận hành công trình tiêu nước đệm và các phương án phòng ngừa úng ngập ngoại thành.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, các địa phương dự kiến cơn bão đi qua đều đã chỉ đạo sát sao các phường, xã thực hiện “4 tại chỗ”. Với tỉnh Ninh Bình, ngày 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện số 04/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại đoàn kết, đến 12h trưa ngày 21/7, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc kêu gọi 1.861 tàu cá, 5.724 lao động trực tiếp trên biển vào bờ tránh trú an toàn. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa tại tất cả các khu, điểm du lịch từ 13h ngày 21/7 cho đến khi có thông báo mới. Tại cảng cá Ninh Cơ (xã ven biển Thịnh Long), PV ghi nhận hầu hết tàu thuyền về tránh trú tại đây đã được ngư dân chằng buộc an toàn, với sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng quân đội, công an. Tỉnh cũng thực hiện sơ tán dân sinh sống, làm việc tại các khu vực cửa sông, ven biển, bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở không đảm bảo an toàn.

Sáng cùng ngày, chính quyền phường Nam Định đã triển khai phương án di dời khẩn cấp 39 hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở và ngập sâu, đặc biệt là quanh số nhà 181 và 207 đường Hoàng Văn Thụ - nơi địa hình trũng thấp, dễ ngập khi mưa lớn. Các hộ dân được bố trí tạm thời tại Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo để thuận tiện theo dõi, hỗ trợ.

Ngoài kiểm soát chặt chẽ, “cấm biển”, từ 17h ngày 21/7, tỉnh Ninh Bình tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc trên toàn tỉnh cho đến khi bão tan. Tại phường Thiên Trường, nơi sông Hồng chảy qua, có 2 điểm xung yếu là đê bối Hồng Hà, cửa xả kênh Quán Chuột (xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc cũ) từng gặp sự cố trong bão Yagi, trong sáng 21/7, chính quyền phường đã huy động các lực lượng công an, quân đội, an ninh cơ sở, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên chuẩn bị các loại vật tư cần thiết như cát, cọc tre, phên nứa, bạt chống tràn… để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. “Đến trưa 21/7 phường đã tập kết lượng lớn vật tư, trong đó có hơn 2.000 bao cát tại 2 điểm xung yếu. Chúng tôi cũng đã hiệp y với một số đơn vị vận hành máy xúc để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra” - ông Mai Hồng Diên, Chủ tịch UBND phường cho biết.

ảnh to bài chính 45
Một hộ dân đang tranh thủ thu lưới tại Ninh Bình. Ảnh: Đình Minh.

Tại phía bắc tỉnh Ninh Bình, thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam cũ, nơi có Khu công nghiệp Đồng Văn I, Đồng Văn II, Châu Sơn… công tác phòng chống bão, trong đó có việc chống úng tại các Khu công nghiệp, bảo vệ sản xuất cũng được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt.

Tại các khu vực đê biển như Bình Minh 3 (xã Kim Đông), nhiều hộ nuôi ong thuê xe tải chuyển ong đi nơi khác để tránh bão. Anh Hoàng Văn Cường (xóm 4, xã Kim Đông) cho biết: Gia đình đã chuyển hơn 1.000 thùng ong rời khỏi vùng nguy hiểm ngay trong chiều 21/7.

Ở khu vực cửa biển, Đồn Biên phòng Kim Sơn phối hợp chặt chẽ với ngư dân tổ chức neo buộc tàu thuyền, đôn đốc các doanh nghiệp đảm bảo an toàn tính mạng công nhân và thiết bị thi công tại các dự án kè biển, đường giao thông ven biển như kè Cồn Nổi giai đoạn 3 và đường B7, đê Bình Minh 4. Ông Nguyễn Văn Cường (xóm 4, xã Kim Đông) cho biết: Gia đình ông đã đưa thuyền vào bờ, buộc dây cố định các phần mũi, lái, ngư cụ và gia cố toàn bộ tàu thuyền.

ảnh bên phải
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác chống bão Wipha tại Hải Phòng ngày 21/7. Ảnh: P.T.

Cần chuyển từ ứng phó sang giải pháp căn cơ

Ngày 21/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại TP Hải Phòng. Phó Thủ tướng đánh giá thành phố đã chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời, rất rõ ràng đối với công tác phòng, chống bão.

Phó Thủ tướng lưu ý, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có rất nhiều công trình trọng điểm kinh tế. Có công trình đã hoàn thành, đang hoạt động ổn định - những hạng mục này đã được tính toán, kiểm soát. Tuy nhiên, đáng lưu tâm hơn là những công trình đang trong giai đoạn thi công dở dang là điểm tiềm ẩn rủi ro lớn về thiệt hại tài sản trong bão, vì vậy cần đặc biệt quan tâm, kiểm soát chặt chẽ. Đối với các khu vực lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên biển, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải cưỡng chế kiên quyết, nhưng muốn người dân thực sự di dời khỏi lồng bè thì phải bảo đảm phương án bảo vệ tài sản cho họ. Đồng thời, cần huy động tối đa lực lượng vũ trang giúp dân chằng chống, bảo vệ lồng bè - coi đây là cuộc chạy đua với thời gian trước bão. "Chúng ta không thể mãi “đối phó” với bão-cần chuyển từ ứng phó bị động sang giải pháp căn cơ, kiên cố, ứng dụng công nghệ để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân" - Phó Thủ tướng nói.

Nghệ An: Liên tục thông tin về diễn biến bão số 3

Bão số 3 đã gây mưa lớn diện rộng, kèm giông lốc trên địa bàn Nghệ An: đã có người chết và bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng. Cũng do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh Nghệ An có 390 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Trong đó, 17 nhà thiệt hại trên 70%; 12 nhà thiệt hại 50 - 70%; 71 nhà hư hỏng 30 -50%; 290 nhà hư hỏng nhẹ dưới 30%. Ngành giáo dục ghi nhận 11 phòng học tốc mái, 2 phòng công vụ vỡ cửa kính và khoảng 80m tường rào trường học bị sập. Về sản xuất nông nghiệp, có hơn 1.474,6ha bị hư hại...

Từ 5h ngày 21/7, tỉnh Nghệ An đã cấm mọi loại tàu thuyền ra khơi; yêu cầu duy trì liên lạc, thông báo diễn biến bão, hướng dẫn tàu tìm nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức neo đậu, gia cố lồng bè nuôi biển và nhà nổi. Đến cuối ngày 21/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã thông báo, kêu gọi hơn 636 lượt tàu thuyền với 3.332 lao động vào nơi neo đậu an toàn. Tổng số tàu đang neo đậu tại các bến trong tỉnh là 2.667 phương tiện với 12.038 lao động; tất cả đều đã nhận thông tin về vị trí và hướng di chuyển của bão số 3. (Điền Bắc)

Thanh Hóa: Không lơ là, chủ quan

Ngày 21/7, tỉnh Thanh Hóa ra lệnh cấm biển. Chủ tịch UBND các xã, phường ven biển, các địa phương có hoạt động nghề cá chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong việc tổ chức cấm biển, dẫn tới thiệt hại về người và tài sản. Ghi nhận tại các xã ven biển của tỉnh Thanh Hoá cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng Biên phòng, đơn vị liên quan, người dân đang khẩn trương di chuyển tàu thuyền, phương tiện khai thác hải sản ven bờ vào nơi tránh trú bão. Ông Nguyễn Văn Long, trú xã Hoằng Thanh cùng các bạn thuyền vừa nỗ lực đẩy bè vào sâu trong đất liền, vừa nói: “Không thể lơ là, chủ quan. Đây là phương tiện kiếm kế sinh nhai của cả gia đình tôi nên phải bảo vệ cẩn thận nhất có thể. Xong việc tàu bè, chúng tôi quay sang chằng chống nhà cửa, cầu mong cơn bão đi qua gây ít thiệt hại nhất”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát, cập nhật và kích hoạt ngay các phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với cấp độ rủi ro, sát thực tế từng địa bàn, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, linh hoạt, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. (Nguyễn Chung)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó với bão Wipha