Chủ động ứng phó với hạn mặn sau Tết

Quốc Trung 15/02/2021 16:00

Trước những khuyến cáo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mùa khô 2020 – 20201, sau Tết Nguyên đán các địa phương ở đây đã chủ động cập nhật kịp thời các thông tin dự báo có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt cho người dân...

Khẩn trương trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ghi nhận chiều ngày 14/2 (ngày 3 Tết) đang xuống theo triều cường. Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu 1,42m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,58m. Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia, đến ngày 19/02 tới, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu chỉ còn 1,20m; tại Châu Đốc ở mức 1,35m. Trong khi đó diễn biến của xâm nhập mặn ở ĐBSCL lại phụ thuộc chính vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và triều cường nên sẽ biến động khó lường trong thời gian tới.

Thiếu nước ngọt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo mùa khô 2020-2021 nước về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió chướng.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng khuyến cáo tình hình hạn hán, ngập mặn tại các vùng cụ thể như: Vùng thượng nguồn ĐBSCL, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, chủ động sản xuất sớm vụ đông xuân nhằm giảm sử dụng nước các tháng kiệt. Tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên của An Giang đề phòng hạn ở các vùng này.

Vùng giữa ĐBSCL đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao trong năm, chủ động giảm diện tích vụ Đông xuân các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020. Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam còn lưu ý: Trong các kỳ triều kém ở tháng 2 các địa phương cần chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với việc giảm xả thủy điện từ Trung Quốc ảnh hưởng ở tháng 2.

Hình ảnh hạn hán mùa khô năm 2019 - 2020 khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn

Còn vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6. Chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt...

Tết năm nay, ông Nguyễn Ngọc Nhân nhà vườn ở xã Bình Hoà Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long vừa ăn Tết, vừa phải canh độ mặn. Ông Nhân có vườn chôm chôm Java khoảng 8 công (1.000m2/công) trồng xuất khẩu. Thời điểm cận Tết năm rồi, nhà vườn chủ quan không chủ động trữ nước ngọt nên khi nước mặn tấn công vào đã làm vườn chôm chôm giảm năng suất.

“Nếu mặn vào tới huyện Chợ Lách của Bến Tre chỉ cần 1‰, tôi phải trữ nước ngọt tưới cho vườn chôm chôm, vì vườn chỉ cách Chợ Lách khoảng 14km. Cây chôm chôm chỉ cần độ mặn 0,2-0,3‰ thôi đã cũng ảnh hưởng đến năng suất nếu tưới lâu ngày”, ông Nhân lo lắng.

Cuối năm 2020, nước mặn đã xâm nhập vào các nhánh sông và trước một số cửa các cống đầu mối thủy lợi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, độ mặn thời điểm trước tết đo được thấp nhất là 1‰ và cao nhất là 7,7‰.

Chiều 15/2, trao đổi với ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về diễn biến hạn mặn trong những ngày tết Nguyên Đán trên địa bàn ông Hẳn cho biết: Qua theo dõi trong mấy ngày trước, trong và sau Tết hiện cơ bản mặn chưa tác động gì lớn tới địa phương. Mặn không lấn sâu vào nội đồng được vì các hộ thống cống chúng tôi đã chủ động cho chặn từ trước. Đặc biệt năm nay chúng tôi chủ động điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất lúa, một số vùng gò cao có nguy cơ thiếu nước chúng tôi không khuyến khích nhân dân sản xuất, người dân đồng tình với khuyến cáo của địa phương và chấp hành rất tốt nên so với những năm trước dường như không có thiệt hại.

Chuẩn bị các trạm bơm để hút và giữ nước ngọt cho các vùng gò cao ở Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre

Về hướng tới Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết: Ngay đầu năm mới chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc khảo sát một số điểm để đầu tư các ống cống gắn với hệ thống trạm bơm để bơm nước từ đầu nguồn để trữ nước đưa vào phục vụ đất gò cao như Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải. Việc trữ nước ngọt ngoài đảm bảo nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân, còn hỗ trợ nước làm mát cho hệ thống nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.

Ở Cà Mau, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cũng thông tin: Sở đã và sẽ điều chỉnh phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước hiện có đảm bảo sản xuất đến khi thu hoạch; phối hợp với các ban ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình cống đập, kênh mương để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố; liên tục cập nhật diễn biến hạn hán, nguồn nước để hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh trong điều kiện hạn hán... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Không để người dân thiếu nước ngọt.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn (KTTV) quốc gia dự báo: Tại khu vực Nam Bộ, từ tháng 1 đến tháng 3/2021 có khả năng xuất hiện mưa trái mùa nên tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm với tổng lượng mưa tháng phổ biến 20 - 50 mm. Tháng 4/2021, tổng lượng mưa cao hơn từ 20 - 35% so với hơn trung bình nhiều năm. Tháng 5/2021, tổng lượng mưa xấp xỉ so với hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ…với diễn biến phức tạp như vậy, nguồn nước ngọt ở ĐBSCL có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Hình ảnh mùa khô đầu năm 2020 người dân Tiền Giang phải đi xin nước khắp nơi để đảm bảo sinh hoạt

Ông Phùng Tiến Dũng, trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Dự báo xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020.

“Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2, tháng 3, riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4, sau giảm dần. Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới” - ông Dũng nhận định.

Hiện các địa phương cũng đã chủ động đề ra các giải pháp hỗ trợ người dân tích trữ nước các gia đình, tích cực nạo vét kênh mương, xây dựng các hồ chứa nước ngọt để đảm bảo nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân, nhất là các địa phương thời gian qua bị thiiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Về đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, hiện ngành nông nghiệp và các ngành, địa phương tiếp tục huy động vốn xây các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn để cấp nước sạch cho người dân đồng thời hạn chế tình trạng khoan giếng tự phát, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm. Tỉnh đã vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới vào cuối tháng 1/2021 để điều tiết nước phục vụ sản xuất, đồng thời phối hợp tốt với tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau vận hành có hiệu quả hệ thống cống đầu mối và hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, tôm...) trong toàn khu vực liên tỉnh”.

Các địa phương chủ động nạo vét kênh mương để trữ nước ngọt đảm bảo sản xuất

Mặc dù các chuyên gia dự báo, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020.

Theo tìm hiểu của phóng viên, do các địa phương đã chủ động các giải pháp tích nước vào hệ thống kênh, mương, ao, các dụng cụ trữ khác trước ngày 15/2/2021 cơ bản sẽ hạn chế thiệt hại đợt hạn mặn tăng cao do ảnh hưởng của giảm xả nước hồ chứa phía thượng lưu. Các địa phương cũng đã lên kế hoạch chủ động bố trí sản xuất, nhiều địa phương bị mặn xâm chiếm đã kiên quyết hạn chế tối đa sản xuất ở vùng có nguy cơ cao, chủ động biện pháp trữ nước phục vụ sản xuất, bảo vệ các vườn cây và cấp nước sinh hoạt...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó với hạn mặn sau Tết