Tới thời điểm này, riêng tại tỉnh Thanh Hóa đã có 4 cán bộ cấp xã bị xử lý do lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc xử lý diễn ra “dồn dập, liên tục” chỉ trong có mấy ngày trời, được dư luận hết sức đồng tình. Ở tầm cao hơn, việc điều chuyển vị trí công tác của Bí thư Thành ủy Bắc Ninh chỉ sau 15 ngày đảm nhiệm công tác cũng là việc “xưa nay hiếm”.
Tại Thanh Hóa, cho tới ngày 9/8, ông Phạm Thanh Thư - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thọ Cường là người thứ 4 bị tạm đình chỉ công tác do thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai việc giám sát, cách ly công dân từ vùng dịch trở về địa phương. Quyết định do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Triệu Sơn ký, được cho là phản ứng nhanh, dám chịu trách nhiệm khi xử lý cán bộ thuộc quyền mà chưa cần đến “gợi ý” của cấp trên.
Trước đó là 3 trường hợp: Ông Trần Văn Tuấn- Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quảng Vinh; ông Đỗ Ngọc Tuấn- quyền Chủ tịch UBND phường Quảng Vinh và ông Viên Đình Nam- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng (cùng ở thành phố Sầm Sơn). Người trước người sau bị tạm đình chỉ công tác đều do lơ là trong phòng chống dịch Covid-19.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, sau khi Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu xem xét, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh này đã điều chuyển Bí thư Thành ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh sang làm Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Vụ này cũng diễn ra rất mau lẹ sau khi có nhiều ý kiến đặt vấn đề về tính khách quan của việc điều động, bố trí nhân sự khi con trai Bí thư Tỉnh ủy được chỉ định làm Bí thư Thành ủy thuộc tỉnh này. Một số ý kiến cho rằng, không có điều nào cấm khi cha là Bí thư Tỉnh ủy thì con không được làm Bí thư Thành ủy trong cùng một tỉnh; tuy nhiên nếu nhìn vào trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong bố trí cán bộ thì lại có vấn đề, dư luận không đồng tình. Cho nên việc điều chuyển ngay (chỉ trong vòng 15 ngày mới nhậm chức) là cần thiết.
Nhìn vào hai vụ việc trên có thể thấy tuy là ở những cấp độ khác nhau (cấp xã ở Thanh Hóa, cấp tỉnh ở Bắc Ninh) nhưng cách xử lý là rõ ràng và đặc biệt nhanh, tuy tính chất của hai vụ này khác nhau. Ở Thanh Hóa, việc xử lý cán bộ liên quan tới chuyện nước sôi lửa bỏng là phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là việc rất cấp bách, phải xử lý ngay. Ở Bắc Ninh, liên quan đến công tác cán bộ, lại là cán bộ cấp cao của tỉnh là công việc lâu dài, cẩn thận theo một quy trình nghiêm ngặt (cả việc bổ nhiệm lẫn thuyên chuyển). Ấy vậy nhưng cũng đã được tiến hành ngay. Trường hợp này, hẳn không phải là mẹo “rút củi đáy nồi” để làm dịu dư luận mà cần phải được nhìn nhận như một sự tích cực trong công tác cán bộ, cho dù đó là việc tế nhị, nhạy cảm.
Đề cập đến các trường hợp kể trên để thấy công tác cán bộ là việc hết sức quan trọng, cho dù ở cấp nào đi chăng nữa. Trong trường hợp 4 cán bộ cấp xã ở Thanh Hóa liên quan tới Covid-19, người ta còn nhận thấy một điều là trong khó khăn mới bộc lộ rõ phẩm chất của người cán bộ. Covid-19 chính là lửa thử vàng với tất cả mọi người. Hoang mang hoảng hốt cũng không được, mà né tránh, thờ ơ cũng không được. Cán bộ cấp xã trực tiếp với dân hàng ngày mà không nêu gương thì làm sao dân đồng lòng chống dịch cho được.
Dư luận rất đồng tình với việc nhanh chóng xử lý cán bộ vi phạm khuyết điểm, cũng như điều chỉnh lại vị trí công tác của cán bộ khi “bố trí không phù hợp”. Điều này không chỉ ở thời điểm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, mà cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không để tạo ra lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Nếu như nơi nào cũng làm được như Thanh Hóa, Bắc Ninh (chí ít là với một số trường hợp kể trên) thì nhất định công tác cán bộ sẽ không còn được coi là “nhạy cảm, tế nhị, phức tạp” nữa, để rồi trong không ít trường hợp người ta đã dựa vào đó mà không xử lý, với lý do rất cũ là hết thời hiệu xử lý kỷ luật.
Vậy thì, nếu muốn còn thời hiệu thì ngay từ đầu khi xuất hiện sai phạm cần phải được xem xét ngay, đúng sai rõ ràng. Nếu người ấy bị oan thì phải minh oan cho người ta. Còn nếu người đó vi phạm thật (hay vì một lý do nào đó tổ chức đặt người ta vào tình thế éo le) thì cũng phải rõ ra, phải xử lý. Nhìn chung là phải chủ động trong công tác cán bộ, cả việc bổ nhiệm lẫn xử lý sai phạm. Càng không thể chỉ chủ động khi bổ nhiệm nhưng lại né tránh xử lý cán bộ sai phạm.
Ở đây, trách nhiệm rất lớn thuộc về người đứng đầu dám làm dám chịu, không ngán ngại áp lực bởi bất cứ cấp nào, bất cứ ai. Tất nhiên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều việc phải làm nào chỉ ngồi chờ cán bộ vi phạm để ra tay xử lý; nhưng cũng không thể vì thế mà coi nhẹ công tác cán bộ vì cán bộ là gốc của mọi vấn đề. Gốc không chắc thì còn nói gì đến chuyện khác.