Những ngày rét mướt cuối năm này, ngồi trà dư tửu hậu với một số anh chị có bố mẹ già, chúng tôi lại nhận được những băn khoăn đầy chính đáng.
Bố mẹ đã lẫn, hoặc không đi lại được nữa, chỉ ngồi một chỗ cần người phục dịch hàng ngày. Con cái thì đều bận rộn không thể cắt cử ai đến ở cùng cha mẹ, thuê người giúp việc mà giao phó bố mẹ cả ngày cả đêm với họ thì cũng không yên tâm. Đưa vào nhà dưỡng lão, dù cũng là một giải pháp văn minh đã xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng hơn 20 năm qua, thì cũng vẫn cấn cá. Thấy lương tâm không đành, ngại người đời đàm tiếu đánh giá. Với một đất nước có truyền thống văn hoá phương Đông như Việt Nam, dù đã có nhiều thay đổi về quan niệm sống thì có vẻ như là gửi cha mẹ khi già yếu vào các trại dưỡng lão vẫn đang nhận được những cái nhìn định kiến.
Nhà dưỡng lão cho người già ra đời như một đòi hỏi tất yếu của một xã hội hiện đại. Lựa chọn nhà dưỡng lão làm chốn nương náu tuổi già đã được chính nhiều người cao tuổi tự chọn như một giải pháp cho mình. Và cho dù có rất nhiều phóng sự, nhiều tâm sự của những người già phát biểu đầy hoan hỉ trên truyền thông rằng vào nhà dưỡng lão yên tâm lắm, vui lắm, sướng lắm. Dù nó đã tồn tại nhiều thập niên qua thì chúng tôi hiểu rằng trong lòng nhiều người con vẫn là nỗi cấn cá nhất là vào những ngày cuối đông rét buốt, luôn khiến người ta chạnh lòng.
Chúng tôi trong lúc gặp gỡ các chuyên gia, hoặc những buổi trò chuyện đâu đó, cũng đều nghe mọi người nói rằng cần có một cách nhìn mới về “báo hiếu”. Để cha mẹ ở nhà chưa chắc đã phải là hiếu thảo, đưa vào nhà dưỡng lão cũng không phải là việc phải đánh giá về đạo đức con cái. Nhiều chuyên gia trong lúc để thuyết phục mọi người, đã chứng minh rằng ở nhà dưỡng lão, người già được theo dõi thường xuyên về sức khỏe và có vấn đề gì thì được điều trị kịp thời. Lúc nào cũng có các cô y tá túc trực để sẵn sàng tiêm thuốc, xông thuốc và khi mỏi mệt được xoa bóp...
Cũng như khi chúng tôi hỏi chuyện trực tiếp những người đang sống ở nhà dưỡng lão thì có nhiều cụ cũng nói ở đây vui vẻ và thoải mái hơn ở nhà vì có người trông nom chứ ở nhà các cháu đi vắng hết, phải ở nhà một mình, buồn vì chẳng nói chuyện được với ai.
Có một cụ bà kể, bị huyết áp cao, bị suy tim nên con trai là giảng viên một trường đại học vẫn quyết định đưa mẹ vào nhà dưỡng lão để yên tâm vì được trông nom cẩn thận, hàng đêm có người trực, ai cần gì sẽ bấm chuông gọi, với những người huyết áp bị tăng cao thì người trực luôn đến theo dõi…
Chúng tôi rất hiểu rằng giữa thời buổi văn minh này nếu còn so đo mãi về những định kiến thì quả là không nên. Báo hiếu cho cha mẹ bằng vật chất thì bây giờ cũng không phải là quá khó nữa nhưng cuộc sống người già còn cần nhiều hơn thế, như là như cầu tâm sự và chia sẻ. Như là sự hòa hợp giữa các thế hệ. Báo hiếu thời buổi này cũng có năm bảy đường.
Nhiều gia đình những ngày đầu mới đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão thì bị họ hàng trách mắng, có nhà cao cửa rộng không để cho mẹ ở lại đẩy mẹ vào trung tâm dưỡng lão. Nhưng mà rồi dần dần, người ta cũng quen đi và chấp nhận nó như một lựa chọn, một giải pháp không phải là không có như ưu điểm của nó. Và nhiều gia đình, chọn ngày nghỉ làm dịp đi thăm bố mẹ hoặc đón bố mẹ về nhà.
Dù với bất kỳ hoàn cảnh nào, thì chúng ta hiểu rằng để đi đến quyết định đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão đối với người Việt, đều là một quyết định khó khăn. Người Việt mình trước đến nay vẫn quan niệm con cái phải tận tay chăm sóc bố mẹ mình ở nhà mới là hiếu thảo. Và trong định kiến xã hội, người Việt Nam vẫn thường cho rằng, chỉ có người cô đơn, không nơi nương tựa, bị con cái hắt hủi mới phải vào viện dưỡng lão.
Ngay bản thân người già bao giờ cũng muốn sống cùng con cháu, ở nơi chôn rau cắt rốn của mình nhưng trong cuộc sống hiện đại mọi thành viên trong gia đình gặp nhau, chăm sóc cho nhau. Mặc dù rất hiểu rằng báo hiếu cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau quan trọng là miễn làm sao để cha mẹ cảm thấy thoải mái có thể sống vui vẻ khoẻ mạnh khi mà người già rất cần được quan tâm chăm sóc chu đáo về cả vật chất và tinh thần.
Nhưng chúng tôi vẫn hoàn toàn chia sẻ chút chạnh buồn cuối năm của những người già đang ở trong nhà dưỡng lão và cả trong lòng những người con đã lựa chọn biện pháp đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Cho dù đúng là cần thay đổi quan niệm về báo hiếu thì vẫn không thể vì thế mà hoàn toàn thoải mái trong câu chuyện này.