Chỉ trong một thời gian ngắn, hai kỳ bầu cử lớn nhất thế giới đã được tổ chức. Giới cử tri ở 2 nền dân chủ đáng kể đã lên tiếng, và thông điệp mà họ đưa ra rất rõ ràng.
Ông Nigel Farage dẫn dắt đảng Brexit tới vị trí chiến thắng trong kỳ bầu cử EP ở Anh vừa qua. (Nguồn: Reuters).
Hai kỳ bầu cử lớn nhất thế giới
Các cuộc bầu cử được tổ chức ở Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) trong những ngày gần đây đã đưa ra một kết quả không lấy gì làm bất ngờ khi mang lại ưu thế cho các chính trị gia từng đưa những thông điệp mạng đậm chất chủ nghĩa dân tộc. Ở một số quốc gia thuộc EU, giới chính trị gia cấp cao bị vùi dập tơi tả, còn các chính trị gia trung cấp sụp đổ.
Ở Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã dễ dàng giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai của mình, gạt phăng nỗ lực của đảng Quốc đại – từng cố gắng biến ông Modi thành một mối đe dọa đối với chủ nghĩa đa nguyên tồn tại lâu dài của Ấn Độ. Chiến thắng này đã thể hiện rõ ý chí của cử tri Ấn Độ: Họ bị cuốn hút bởi những thông điệp cứng rắn về chủ nghĩa dân tộc Hindu và giọng điệu bài Hồi giáo mà đảng BJP của ông Modi đưa ra.
Trên nhiều khu vực thuộc EU, một số đảng phái chính trị có tư tưởng dân túy, hoài nghi châu Âu và chống người nhập cư bỗng nhiên áp đảo các đảng phái truyền thống trong kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Ở Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) – nơi mà đáng lẽ đã rời khỏi EU vào ngày 29/3 và không tham gia vào kỳ bầu cử EP – đảng Brexit được dẫn dắt bởi chính trị gia có tư tưởng chỉ trích EU Nigel Farage giành được nhiều phiếu bầu nhất. Kết quả tương tự cũng xuất hiện ở Pháp và Italy, nơi mà đảng Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen và đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini cũng giành được nhiều phiếu bầu nhất.
Những kết quả nói trên xuất hiện ngay sau kỳ bầu cử ở Australia, mà trong đó cộng đồng cử tri nước này đã chuyển hướng sang bỏ phiếu cho Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Scott Morrison, đi ngược lại các kết quả thăm dò dư luận trước đó.
Trên khắp thế giới, hiện đang có một làn sóng dịch chuyển tâm lý của giới cử tri, họ quay sang ủng hộ các đảng cánh hữu, từ bỏ các đảng trung tả và ôn hòa – các đảng phái từng nắm giữ quyền lực trong nhiều nền dân chủ - sau nhiều năm kinh tế trì trệ cùng chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Ở châu Âu, xu hướng dịch chuyển sang cánh hữu của cộng đồng cử tri – mà trong đó Anh là ví dụ điển hình nhất – xuất phát từ chính lòng khát khao được trở lại thời kỳ huy hoàng trong quá khứ của đất nước. Giới lập pháp ủng hộ Brexit thường nói về việc họ đang làm như thể họ sẽ phục hồi lại đế chế Anh, thổi phồng lên vai trò của nước Anh ngày nay, trong khi thực tế mà họ có chỉ là một quốc gia nhỏ bé muốn tách khỏi khối EU.
Ở Ấn Độ, thành công liên tiếp của Thủ tướng Modi không chỉ là về chiến thắng trong kỳ bầu cử gần đây nhất, mà còn cho cả tương lai. Người dân Ấn Độ đang tự xem đất nước họ sắp trở thành một siêu cường mới, và ông Modi cũng như các thành viên trong đảng dân tộc chủ nghĩa BJP của ông là những người phù hợp nhất để dẫn dắt họ tới tương lai đó. Tuy nhiên, xu hướng ủng hộ dân tộc chủ nghĩa này cũng có mặt tiêu cực khi kéo theo sự ác cảm và thù hằn đối với “bên khác”. Ngày nay ở Ấn Độ, người ta càng tỏ rõ quan ngại về sự lan rộng của tình trạng bạo lực mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc Hindu kể từ khi ông Modi lên cầm quyền.
Trong khi đó, các nước ở châu Âu cũng chứng kiến sự trỗi dậy rõ rệt của làn sóng bài Hồi giáo và ủng hộ các tổ chức phát-xít mới, đó là chưa kể tình trạng biểu tình rầm rộ chống người nhập cư xảy ra ở nhiều thủ phủ các nước châu Âu.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ăn mừng chiến thắng trong kỳ bầu cử. (Nguồn: AP).
Sự trỗi dậy của “chủ nghĩa dân túy”
Phần lớn sự tập trung trong kỳ bầu cử EP vừa qua đặc biệt nhằm vào sự trỗi dậy của cái gọi là chủ nghĩa dân túy đang lan rộng khắp lục địa già.
Nhà khoa học chính trị Cas Mudde từng đưa ra định nghĩa chủ nghĩa dân túy “là một tư tưởng hệ lỏng lẻo, trong đó cho rằng xã hội cuối cùng sẽ bị chia tách thành 2 nhóm cùng nguồn gốc nhưng tương phản: Người dân thuần túy và tầng lớp có địa vị cao tham nhũng”.
Tuy nhiên, nói một cách đơn giản hơn thì định nghĩa này cho rằng các đảng phái cực kỳ khác nhau – như Công đảng của ông Jeremy Corbyn ở Anh so với đảng Liên minh cực hữu của Salvani ở Italy – bằng cách nào đó có liên quan với nhau nhờ các chính sách tương đồng, mà khi cô đọng lại có thể rút ra kiểu hoạt động của các đảng này: Lôi kéo đại đa số người dân theo cách mà giới truyền thông chính thống không thể chấp nhận.
Hay như Anton Jager - một chuyên gia lịch sử chính trị thuộc ĐH Cambridge - viết vào năm ngoái: “Các nhà sử học và nhà báo đã ra sức tìm hiểu chính xác ý nghĩa của cụm từ chủ nghĩa dân túy trong suốt 60 năm qua. Dù định nghĩa hơi nhập nhằng, nhưng cụm từ chủ nghĩa dân túy luôn dễ được chấp nhận hơn là những cụm từ như phân biệt chủng tộc hay cực hữu”.
Xu hướng chung xoay chuyển sự ủng hộ sang các đảng “dân túy” – hay các đảng cánh hữu, có tư tưởng chống người nhập cư và chống các tầng lớp chức quyền – đã diễn ra trong vài năm qua. Tạp chí Time của Mỹ thậm chí còn định vinh danh những người theo tư tưởng dân túy (The Populists) là gương mặt của năm 2016. Nhóm người này – bao gồm cả bà Le Pen và ông Farage – cuối cùng để thua Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dù cho xu hướng này thường được mô tả như sự trỗi dậy của cánh hữu, thì thực tế là là nó gây ra bởi sự sụp đổ về sự ủng hộ mà cử tri dành cho các đảng trung tả, rất nhiều trong số đó là các đảng phái truyền thống trong Chính phủ của nhiều quốc gia.
“Sự trỗi dậy của cánh hữu dân túy trùng với lúc các đảng trung tả hứng chịu sự sụp đổ” – William Galston, một chuyển gia về quản trị thuộc Viện Brookings từng nhận xét. Ông chỉ ra sự suy giảm niềm tin của giới cử tri đối với đảng Xã hội của Pháp, đối với đảng Lao động ở Hà Lan, đảng Dân chủ ở Italy và đảng Dân chủ Tự do ở Cộng hòa Séc.
“Ngay cả ở vùng Scandinavia, vốn được xem là bức tường thành của dân chủ xã hội, các đảng trung tả từng có thống trị giờ đang suy yếu, trong khi các đảng dân tộc chủ nghĩa có xu hướng vùng miền lại trở nên mạnh mẽ, – Galston nhấn mạnh. – Dưới sức ép lớn, các đảng phái trung tả buộc phải điều chỉnh bằng cách nghiêng hơn về các chính sách dân túy, đưa ra luận điệu dân túy”.
Thành công của đảng của ông Modi trong kỳ bầu cử vừa qua ở Ấn Độ cũng dựa trên sự thất bại của đảng Quốc đại – một đảng trung tả từng quản lý đất nước trong phần lớn lịch sử thời kỳ hậu độc lập. Lãnh đạo của đảng Quốc đại, ông Rahul Gandhi, đã thất bại trong việc gia tăng lá phiếu bầu cho đảng ông trước đảng BJP hùng mạnh, thậm chí còn để thua trong chính cuộc chạy đua của cá nhân ông.
Xu hướng không thể đảo ngược?
Trong hành trình tìm kiếm sự vĩ đại của đất nước, giới cử tri ở Ấn Độ và châu Âu đang phản ứng với xã hội đang đầy rẫy sự bất bình đẳng về kinh tế cùng những vấn đề về chủ nghĩa thế tục. Tuy nhiên, rủi ro đối với các cử tri là, họ đang đánh cược vào một kiểu chính trị sẽ dẫn tới hình thành các xã hội thù địch và ít cởi mở hơn.
Hơn nữa, tầm ảnh hưởng từ một cuộc bầu cử có thể lan rộng. Kết quả bầu cử với phần thắng nghiêng về phe dân túy ở một nền dân chủ lớn như Ấn Độ có thể gây ra ảnh hưởng lớn tới chính trị toàn cầu, từ đó ảnh hưởng tới việc thực thi một số nỗ lực chung quan trọng của thế giới – như thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris 2015.
Trên thế giới, các đảng chính trị cố gắng chống lại xu hướng dân túy đã thất bại trong những năm gần đây. Điều này có nhiều lý do – đó là các chính sách thắt lưng buộc bụng, nền kinh tế suy yếu, hậu quả từ các chính sách ngoại giao không đúng đắn… Liệu những đảng này có thể cải tổ và phục hồi kịp lúc để ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy hay không?