Xã hội

Chủ tàu cá khó tìm thuyền viên

Tấn Thành - Chí Đại 21/03/2024 07:14

Hiện nay, tàu cá Quảng Ngãi chuẩn bị vươn khơi nhưng chủ tàu lại đang gặp khó khăn trong việc tìm bạn thuyền đi biển.

anh1baitren.jpg
Nhiều tàu thuyền nằm lâu trên bãi ở cảng cá Tịnh Hoà. Ảnh: Tấn Thành.

Tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, từ sau Tết Nguyên đán, các ngư dân địa phương bắt đầu mở biển để vào vụ cá nam. Thế nhưng, năm nay nhiều chủ tàu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn thuyền đi biển, dẫn đến những chuyến ra khơi chậm trễ hoặc nhiều tàu thuyền ra khơi thiếu lao động, khiến năng suất đánh bắt hải sản giảm.

Ông Nguyễn Văn Cư (xã Bình Châu), chủ tàu cá QNg 90675TS chia sẻ: “Từ sau Tết đến nay, việc tìm kiếm bạn thuyền đi biển rất khó khăn. Do đó, tôi phải ứng trước tiền đặt cọc để giữ chân bạn thuyền. Tôi còn phải đi tìm kiếm bạn thuyền ở các huyện lân cận. Chúng tôi đang rất khó khăn trong việc tìm ngư dân cùng mình ra khơi”.

Gặp chúng tôi trong lúc đang neo đậu tàu cá QNg 90427 TS, ngư dân Phạm Quế, ở xã Bình Châu cho biết: “Trước đây, mỗi chuyến biển chúng tôi cần từ 12 - 15 thuyền viên, giờ có máy móc hỗ trợ nên chỉ cần khoảng 10 người. Thế nhưng vẫn khó tìm thuyền viên”.

Nhiều chủ tàu cho rằng, tìm được bạn thuyền mà chưa xuất bến đi biển thì vẫn lo lắng bởi khi chuẩn bị xuất bến mà không thấy bạn thuyền đâu. Gọi điện thoại thuê bao không liên lạc được, tìm đến nhà không gặp được, dẫn đến tiền mất, người lại không có. Thế nhưng tàu vẫn bắt buộc phải ra khơi trong bối cảnh thiếu lao động. Đó là lý do khiến việc đánh bắt hải sản đạt năng suất thấp.

anh2baitren.jpg
Ngư dân chuẩn bị ngư cụ trước giờ vươn khơi.

Sáng 20/3, chúng tôi có mặt tại bến cảng Tịnh Hoà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, tàu thuyền nằm bờ la liệt. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ tàu chưa tìm đủ thuyền viên.

Thuyền viên Đỗ Văn Mười, ở Quảng Ngãi cho hay: “Đa phần ngư dân khi sắm một chiếc tàu công suất lớn đều vay ngân hàng và mượn bà con hàng xóm. Thời gian qua, do không có bạn đi biển, một số tàu cá phải nằm bờ, nên bạn thuyền các tàu này đành chuyển sang nghề khác để kiếm tiền trả nợ ngân hàng”.

Ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi thông tin: Tình trạng thiếu lao động đi biển diễn ra nhiều năm qua. Nguyên nhân do nghề biển lao động rất vất vả, thu nhập lại bấp bênh. Nhiều người chuyển sang làm ở các khu công nghiệp. Vì vậy, nhiều chủ tàu cá gặp khó khi kiếm bạn thuyền. Đáng mừng là các chủ tàu vẫn nỗ lực duy trì bám biển. Cụ thể, Quảng Ngãi hiện có khoảng 3.200 tàu thuyền, với khoảng 37.000 lao động trên biển.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, những ngày qua, tại khu neo đậu An Hòa và cảng Tam Quang, thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành, dù đang là thời điểm vào mùa đánh bắt hải sản nhưng nhiều tàu cá công suất lớn vẫn nằm bờ. Nhiều chủ tàu cá cho biết họ đang chờ tìm đủ bạn thuyền mới ra khơi.

Ngư dân Đỗ Văn Tân (xã Tam Quang) cho biết: “Tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi, sức khoẻ có phần yếu hơn so với 10 năm về trước nhưng vẫn ra khơi đánh bắt. Thế nhưng đáng buồn, một số bạn trẻ lại không mặn mà với nghề biển. Thật đáng lo ngại khi họ không chịu nối nghiệp cha ông. Bởi vì, ngoài việc vươn khơi, bám biển thì có một điều thiêng liêng hơn, là góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”.

Ngư dân Phạm Tấn Vĩ, trú huyện Núi Thành chia sẻ: “Nghề đi biển thực sự rất vất vả. Hầu hết những lao động nghề cá không chuyên thường bị say sóng, họ phải hết sức kiên trì bám biển, yêu nghề mới có thể vượt qua các gian khó. Nhưng đã thành truyền thống, ngư dân Việt Nam từ xưa nay vẫn luôn yêu biển, vươn khơi bám biển giữ biển, đảo quê hương. Những khó khăn ở thời điểm này chắc chắn sẽ sớm được giải quyết”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, nguyên nhân khiến lao động đi biển giảm là do nghề biển thường đi dài ngày, lại đối mặt nhiều rủi ro, thu nhập cũng bấp bênh. Hiện, để đảm bảo số lượng thuyền viên đi biển, nhiều chủ tàu đã đến các huyện, tỉnh lân cận để tìm kiếm thuyền viên.

Cũng theo ông An, toàn huyện Núi Thành hiện có hơn 1.900 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất là 224.496CV, trong đó có 329 chiếc công suất máy từ 90CV trở lên đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa. “Thật đáng trân trọng bởi trong những lúc khó khăn ngư dân chúng ta vẫn kiên trì ra khơi” – ông An chia sẻ.

Ông Võ Văn Long - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu lao động đi biển hiện nay, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm ngư trường đánh bắt để giúp ngư dân giảm thiểu thời gian tìm kiếm các đàn cá, có như vậy mới giảm được nhiên liệu, tăng thêm thu nhập và thu hút được nhiều lao động biển. Toàn tỉnh có hơn 2.700 tàu thuyền, trong đó có 679 tàu chuyên khai thác xa bờ. Tỉnh Quảng Nam cũng có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu và 4879 lao động; 158 “tổ đoàn kết” với 1.040 tàu và 8.063 lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tàu cá khó tìm thuyền viên