Xem xét đặc thù của địa phương tác động đến việc xây dựng văn hóa, con người - ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh vừa qua về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 (Nghị quyết của kỳ họp thứ 9 BCH Trung ương khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam” đang gợi mở nhiều vấn đề.
Quả thực lâu nay chúng ta vẫn nói đến yếu tố văn hóa trong việc xây dựng nguồn nhân lực, nhưng hầu như không làm rõ được đặc trưng của mỗi vùng đất, đặc thù của mỗi địa phương tác động thế nào đến hoạt động xây dựng và phát triển văn hoá, con người của từng vùng đất, từng địa phương ấy.
Nói cụ thể trong câu chuyện ở tỉnh Tây Ninh với đặc thù có biên giới dài, có các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng gắn chặt với đời sống nhân dân (tỷ lệ tín đồ các tôn giáo trên số dân cao nhất cả nước), lại có những di tích lịch sử cách mạng rất quan trọng như Di tích Trung ương Cục miền Nam… thì tất cả những yếu tố ấy sẽ phải trở thành căn cứ quan trọng trong việc hoạch định chính sách, để xây dựng văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh cho Tây Ninh.
Từ những vấn đề đặt ra trong một buổi làm việc cụ thể, đã đến lúc cần nhìn lại cả quá trình thực hiện mục tiêu phát triển văn hoá, con người theo Nghị quyết 33 trong 5 năm qua. Nhận thức của các cơ quan có trách nhiệm và của cả xã hội về việc “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân- thiện- mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” đã ở mức nào?
Nghị quyết 33 được Hội nghị Trung ương 9 (Khoá XI) thông qua, lần đầu tiên khái niệm văn hoá là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước được đề cập tới trong một văn kiện của Đảng. Với những mục tiêu tiến gần đến giá trị cốt lõi nhất của văn hoá: Hình thành nhân cách con người và cốt cách của một dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững.
Nhận thức và yêu cầu về xây dựng một nền văn hoá được đưa ra trong đòi hỏi của thực tiễn cần định hình lại sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự đảo lộn các giá trị sống mà tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) lúc đó nhận là đang ở mức nghiêm trọng. Công cuộc chấn hưng văn hoá nước nhà khi ấy đã được đặt ra một mệnh lệnh khẩn thiết từ cuộc sống, để văn hóa thực sự đảm nhiệm vai trò “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ đã từng nói.
Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết trong 5 năm qua chúng ta đã làm được những gì để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, những gì thực sự là chưa có chuyển biến về nhận thức, chưa làm được. Ở đây chúng tôi không muốn điểm lại sự xuống cấp về văn hóa đang tiếp tục “nghiêm trọng” qua rất nhiều hiện tượng gần đây. Nhưng rõ ràng nếu có bước chuyển biến thực sự thì phải văn hóa phải đạt được mục tiêu góp phần phát triển bền vững đất nước không phải ở định hướng mà phải ở những kết quả có thể nhìn thấy, đánh giá được và khắc phục được những mặt yếu kém của văn hóa hiện nay.
Trên cơ sở của nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, với những gì đã làm được, cái gì còn hạn chế, việc sau đó sẽ có những bước đi đúng với đòi hỏi hơn. Đó là việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời gian tới là phải thực sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa và thực hiện công bằng xã hội; phải coi nhân tố con người (trong đó nhấn mạnh yếu tố nhân cách văn hóa) là trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa vì sự phát triển toàn diện của con người. Nghĩa là văn hóa phải thấm sâu vào mọi mặt của đời sống, trong từng chính sách, từng bước đi cụ thể của toàn bộ đời sống xã hội chứ không chỉ là mục tiêu, hay động lực của phát triển kinh tế - xã hội như đã từng nói trước đây.
Khái niệm văn hoá là yếu tố nội sinh để phát triển của một dân tộc đã được các nhà khoa học nói nhiều. Giới nghiên cứu văn hóa cũng đã nói nhiều đến mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, coi văn hóa như là một tiêu chí đánh giá chất lượng phát triển. Nhưng khi triển khai Nghị quyết vào cuộc sống thì phải thấy rõ phạm vi nào của văn hóa, yếu tố nào của văn hóa có thể trở thành “nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển” và làm thế nào để xác định mô hình quan hệ giữa văn hóa với phát triển. Chúng ta không thể tiếp tục nói văn hóa chung chung mà cần chỉ ra những mối quan hệ cụ thể giữa văn hóa và phát triển, yếu tố nào của văn hóa đóng góp cho phát triển bền vững. Như đã nói từ đầu, ví dụ với đặc trưng của mỗi vùng đất thì yếu tố văn hóa sẽ quyết định thế nào đến hình thành nhân cách con người, đến phát triển bền vững. Hoặc ví dụ nếu người dân với tư cách là chủ thể văn hóa được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển thì yếu tố bình đẳng sẽ kích thích sự sáng tạo.
Chủ thể của văn hóa là con người. Và không còn nghi ngờ gì nữa phải xây dựng văn hóa thành yếu tố nội sinh để tăng thêm nguồn lực cho phát triển.