Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phát biểu tại đây, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, cần chú trọng khen thưởng cả những cán bộ cấp dưới có thành tích tốt.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng: Ban soạn thảo dự án luật cần nghiên cứu chỉnh sửa lại Điều 48 để hoàn chỉnh hơn. Theo đó, luật nên viết ngắn gọn là “Huân chương Đại Đoàn Kết tặng cho cá nhân có công lao to lớn cho sự nghiệp Đại Đoàn Kết dân tộc”.
Lý giải, ông Đỗ Văn Chiến dẫn chứng: Điều 48 quy định: “Huân chương Đại Đoàn Kết để tặng cho nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo và cá nhân có công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp Đại Đoàn Kết” là không đầy đủ.
Bởi chức sắc tôn giáo, người có uy tín được cấp tỉnh công nhận và khen thưởng nhưng đồng bào dân tộc thiểu số thì không. Vì thế, ông đề nghị sửa thành: Các cá nhân ở bất cứ lĩnh vực nào nếu có thành tích về vấn đề này đều được tặng thưởng Huân chương Đại Đoàn Kết.
Ủng hộ khoản 3, khoản 5 Điều 82 của dự thảo luật, theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến như vậy đã thể hiện sự công bằng. Tuy nhiên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến băn khoăn rằng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là do Quốc hội bầu. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét ở góc độ nào đó chức trách, vị thế còn lớn hơn Bộ trưởng nhưng thẩm quyền lại không bằng Bộ trưởng trong công tác thi đua khen thưởng.
“Do đó, đề nghị khoản 5 Điều 82 cần thể hiện đầy đủ hơn để bao quát được hết người có công lao đóng góp cho Quốc hội. Bởi hoạt động Quốc hội cũng chính là các ĐBQH đang thực hiện nhiệm vụ chính trị của họ do đó cũng cần được khen thưởng”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến phân tích và đề nghị.
Bày tỏ băn khoăn khi tại khoản a, Điều 26 về danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu đối với xã hoàn thành “nông thôn mới”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, hoàn thành nông thôn mới có nhiều cấp độ: Ở mức thấp hoặc mức cao. Nhưng quan trọng là trong thực tiễn những xã hoàn thành “nông thôn mới” chưa chắc thành tích đã hơn những xã khác.
Từ đó, người đứng đầu MTTQ Việt Nam gợi mở: Ví dụ chúng tôi ở miền núi thì xã nông thôn mới là những xã ven đô thị có điều kiện, được đầu tư. Còn xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao khó khăn trăm bề, có thành tích xuất sắc nhưng lại không nằm trong xã tiêu biểu là không hợp lý. Nhất là có 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi mà lại chỉ khen xã tiêu biểu của chương trình “nông thôn mới”.
Đặt câu hỏi: “Xã rất khó khăn, địa bàn đặc biệt khó khăn phấn đấu sau 3 năm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn vậy đó có phải xã tiêu biểu không?”.
Sau đó, từ thực tiễn sinh động của cuộc sống mà mình nắm bắt rõ lâu nay, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định: “Đó chính là xã tiêu biểu. Vì họ khó khăn và phấn đấu được như vậy là cố gắng rất lớn. Xã từ 15% hộ nghèo sau nhiều năm phấn đấu giảm thấp hơn mức bình quân chung cả nước thì có thể coi là xã tiêu biểu về xóa đói giảm nghèo. Do đó dự thảo luật nên bỏ “khoản a, Điều 26”. Theo đó xã có thành tích từng mặt tiêu biểu thì được khen thưởng.
Là người từng công tác tại 4 địa phương, 2 cơ quan Trung ương, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng: Ở Trung ương thường quan tâm việc khen thưởng hơn địa phương. Tại địa phương suy tôn đơn vị nào được cờ, cá nhân nhận bằng khen rất khó khăn, phải động viên họ mới nhận.
Kể câu chuyện có thật: Tại Trung ương, đã có cơ quan lãnh đạo nhận một suất khen thưởng, suất còn lại mới dành cho cấp dưới bình xét trong số những người còn lại. Do đó, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương đề nghị: Phải làm sao đưa được vào luật nguyên tắc khen thưởng, cấp dưới cần được động viên, khen thưởng nhiều hơn cấp trên. Bởi sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, thành tích là của nhân dân. Cho nên cấp dưới khen thưởng ít hơn cấp trên thì chưa thật sự hợp lý!
Cuối cùng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, thành tích để làm hồ sơ thủ tục khen thưởng phụ thuộc vào năng lực của cán bộ thi đua khen thưởng. Thực tế có đơn vị thành tích “vừa phải” nhưng “viết rất nổi”. Còn đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn năng lực trình độ có hạn thì “thành tích là có thật” nhưng viết “không nổi”.
Từ đó Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, làm sao bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng. Nhất là hiện nay ta đang “khen thưởng là chính” còn “thi đua” thì chưa.