Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim đã tuyên bố từ chức vào tháng tới để gia nhập một công ty chuyên về đầu tư cơ sở hạ tầng, sớm hơn gần 3 năm so với nhiệm kỳ của ông.
Chủ tịch đương nhiệm Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim. Nguồn: AP.
Gia nhập khu vực tư nhân
Quyết định bất ngờ mà ông Kim đưa ra hôm đầu tuần này dự kiến sẽ cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm tầm ảnh hưởng lớn đối với hàng ngũ lãnh đạo WB, ngay trong bối cảnh mà tầm kiểm soát của Washington đối với tổ chức gồm 189 thành viên này đang chịu sự chỉ trích tăng dần.
“Trở thành Chủ tịch của thể chế lớn này đã là một niềm vinh dự lớn đối với tôi. Tôi đã được làm việc cùng những cá nhân đầy cảm hứng, những người luôn cống hiến vì nhiệm vụ chấm dứt nạn nghèo đói trong thời kỳ của chúng ta” - ông Kim, 59 tuổi, nói trong một tuyên bố.
Ông Kim - người đã trở thành Chủ tịch WB vào năm 2012 - dự kiến sẽ gia nhập một công ty chưa rõ tên chuyên về đầu tư cho các nước đang phát triển và sẽ trở lại làm việc tại Partners In Helath - một tổ chức phi lợi nhuận mà ông đồng sáng lập. Giám đốc điều hành WB Kristalina Georgieva sẽ tạm thời giữ quyền Chủ tịch sau khi ông Kim rời vị trí này vào ngày 1/2 tới.
Dưới thời ông Kim, WB đã đặt ra mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nạn đói nghèo vào năm 2030 và tăng cường rót vốn cho các dự án này. Năm ngoái, Ngân hàng này cũng được phê chuẩn nguồn vốn tăng 13 tỷ USD, sau khi chấp nhận các đề nghị của chính quyền Trump giảm các khoản vay cho các quốc gia thu nhập cao.
Trong bức thư gửi toàn bộ đội ngũ nhân viên WB, ông Kim nói rằng từ lâu ông đã cảm thấy khu vực tư nhân là phù hợp nhất trong việc rót nguồn vốn cho các nền kinh tế đang phát triển. “Bởi vậy mà tôi quyết định rằng đã đến lúc để đón nhận thách thức mới, và tập trung hoàn toàn vào các nỗ lực rót nguồn vốn tư nhân để mang lại lợi ích cho người dân trên khắp thế giới” - ông Kim viết.
Khoảng trống khó lấp
Dưới nhiệm kỳ của ông Kim, WB cũng tập trung hơn vào khu vực tư nhân của họ - Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), hành động mà nhiều nhà phê bình cho là ngày càng làm tăng các nguồn vốn rót cho dự án không phù hợp với các quy tắc về môi trường và xã hội của WB.
Trong hôm 8/1, Ban lãnh đạo WB đã gửi lời cảm ơn tới ông Kim và nói rằng họ sẽ “lập tức” bắt đầu tiến trình tìm kiếm tân Chủ tịch. Trên mạng xã hội Twitter, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã thể hiện sự trân trọng của bà đối với những gì mà ông Kim đạt được.
Việc lựa chọn một vị Chủ tịch mới cho WB có thể là một công việc nhạy cảm, bởi chính quyền Trump thời gian qua liên tục rút khỏi các thể chế đa phương, và cũng chỉ trích nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình, ông Kim từng nhận được khoản vốn 1 tỷ USD từ con gái của ông Trump - Ivanka Trump để hỗ trợ các nữ doanh nhân.
Theo quy tắc bất thành văn, Chủ tịch của WB luôn được lựa chọn bởi bên nắm giữ cổ phần lớn nhất của nó - nước Mỹ - cũng giống như cơ chế cho phép các siêu cường châu Âu lựa chọn người đứng đầu IMF. Thế nhưng, vào thời điểm được đề cử năm 2012, ông Kim trở thành ứng viên Mỹ đầu tiên đối diện với một đối thủ khác là ông Ngozi Oknjo-Iweala của Nigeria.
Bởi vậy mà để tránh sự việc tương tự diễn ra, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2016 đã nhanh chóng cất nhắc ông Kim lên một nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm, bắt đầu từ năm 2017.
Nhưng ngay trong năm 2016, đội ngũ nhân viên của WB đã chỉ ra sự bất bình của họ, nói rằng họ đang gặp phải “cuộc khủng hoảng lãnh đạo” và kêu gọi chấm dứt “các thỏa thuận ngầm” liên quan tới việc nắm quyền lực ở thể chế này. Hiện nay, WB cũng đang phải đối diện thách thức khi phải tiếp tục công việc tái cấu trúc nội bộ mà ông Kim là người khởi xướng – bao gồm cắt giảm chi tiêu và nhân lực.
Theo giới quan sát, hiện chính quyền Trump chưa công bố một danh tính nào để thay thế ông Kim. Trong khi đó, các bên nắm giữ cổ phần khác của WB – như Liên hiệp Vương quốc Anh hay Trung Quốc – cũng đang quá bận rộn đối phó với các vấn đề trong nước của họ, bởi vậy khó có thể lấp đầy chỗ trống mà Washington bỏ lại.