Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm, chúc mừng báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Cựu Chiến binh

Dạ Yến - Ảnh: Hoàng Long 20/06/2015 12:57

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015), sáng ngày 20/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, chúc mừng báo Sài gòn Giải phóng, báo Cựu chiến binh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm, chúc mừng báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Cựu Chiến binh

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
thăm và chúc mừng báo Sài gòn Giải phóng

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Tổng biên tập báo SGGP, hiện báo có 22 đơn vị trực thuộc, trong đó có 4 Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đà Lạt; 5 tòa soạn và 7 ban phóng viên; 1 doanh nghiệp Nhà nước là công ty TNHH MTV in SGGP.

Báo hiện tổ chức xuất bản 7 ấn phẩm (Báo SGGP, Báo SGGP Hoa văn, Báo SGGP Thể thao, Báo SGGP Đầu tư tài chính, Báo SGGP Thứ 7 và 2 ấn phẩm điện tử Báo SGGP điện tử tiếng Việt, Báo SGGP điện tử tiếng Anh).

Trong bối cảnh hiện nay, số lượng đầu báo in đã đến ngưỡng cao, trong khi báo điện tử từng bước khẳng định vị trí cạnh tranh bên cạnh sự phát triển nhanh của mạng xã hội thì báo in nói chung, báo SGGP nói riêng vẫn tiếp tục giữ vai trò, nhiệm vụ trọng yếu của mình trên mặt trận truyền thông.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Phong, cùng với hoạt động chuyên môn, kinh tế báo chí, nhiều năm qua báo SGGP đẩy mạnh các hoạt động xã hội. Báo thành lập riêng một Ban chương trình xã hội và đã tổ chức thành công các chương trình xã hội mang đậm dấu ấn báo Đảng như Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, Giải thưởng Tôn Đức Thắng tôn vinh những công nhân giỏi nghề, Giải thưởng Võ Trường Toản tôn vinh những người thầy giáo, Cuộc thi Văn hay chữ tốt, Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, Giải thưởng Doanh nghiệp xanh, Giải thưởng thương hiệu Việt được yêu thích nhất. Đặc biệt, một trong chương trình có dấu ấn mạnh mẽ, có tiếng vang toàn quốc là Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Vững lòng biển đảo.. đã góp phần hỗ trợ hàng ngàn trường hợp chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vượt qua khó khăn hôm nay, xây dựng nhiều công trình ý nghĩa ở khắp dải Trường Sơn…

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, trong thời gian tới, bên cạnh những nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong công tác thông tin tuyên truyền, phát hiện các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, Báo SGGP cũng sẽ tập trung phản ánh các hoạt động của MTTQ Việt Nam vì đây là một trong lĩnh vực quan trọng mà báo ưu tiên thông tin. Theo đó, sẽ phản ánh sâu đậm về chức năng giám sát, phản biện của MTTQ; các hoạt động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thu hút kiều bào và trí thức Việt kiều tham gia xây dựng đất nước..

Chia sẻ với những người làm báo SGGP tại Văn phòng đại diện Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin, báo in đang gặp khó, việc duy trì được số lượng phát hành và đảm bảo thông tin như cách làm của tờ báo SGGP là sự nỗ lực vô cùng lớn.

Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ chí Minh, là tờ báo ra đời ngày 5-5-1975, chỉ 5 ngày sau chiến thắng giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước 30-4-1975.

Cả nước vừa kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cũng là dịp tờ báo tròn 40 năm tuổi. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 40 năm là một chặng đường có ý nghĩa, đặc biệt đã góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thúc đẩy hoà giải.

Thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong báo SGGP tiếp tục phát huy lợi thế truyền thống để đồng bào trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước, góp phần tăng cường hội nhập. Đặc biệt có các chương trình xã hội uy tín, góp phần cùng MTTQ TP. Hồ Chí Minh dấy lên sự quan tâm của đồng bảo cả nước trong vấn đề bảo vệ chủ quyền.

Trong việc đưa thông tin về MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, tờ báo tăng cường hơn nữa thông tin về nhiệm vụ giám sát và phản biện để giúp nhân dân cả nước thấy được chủ trương này là khả thi từ đó góp phần hơn nữa trong việc xây dựng khối đại đoàn kết.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm, chúc mừng báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Cựu Chiến binh - 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
thăm và chúc mừng báo Cựu chiến binh

Tại báo Cựu Chiến binh, Đại tá Nguyễn Duy Tường, Tổng biên tập báo Cựu Chiến Binh cho biết, Báo được phát hành trên cả nước và kết nghĩa với Hội CCB Lào và Căm-pu-chia. Tờ báo hiện có 3 sản phẩm thông tin chính. Trong đó báo tuần 16 trang, phát hành khoảng 15.000 bản vào thứ 5 hằng tuần. Báo tháng 36 trang, phát hành khoảng 12.000 bản vào ngày 5 hằng tháng và một trang tin điện tử (www.cuuchienbinh.com.vn)

Theo ông Nguyễn Duy Tường, báo Cựu Chiến binh hiện có 35 người. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng báo Cựu Chiến binh đã nỗ lực vươn lên được Chủ tịch nước tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng nhất (2003). Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong những tờ báo đi đầu trong tuyên tuyền về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chống “diễn biến hòa bình”; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; Bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong năm 2014, Báo được Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng về thành tích tuyên truyền biển đảo.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Duy Tường, hiện nay lượng phát hành và độ phủ thông tin của Báo Cựu Chiến binh còn hạn chế. Đặc biệt là sản phẩm thông tin chưa đến tay lực lượng CCB đang sống ở vùng sâu vùng xa, miền Nam và miền Trung. Giao diện của Báo điện tử Cựu chiến binh Việt Nam còn nhiều hạn chế, tốc độ truy cập chậm, ít thông tin có ích phục vụ lực lượng cho Cựu chiến binh.

“Đến năm 2017, sau khi ổn định trụ sở toà soạn, Báo Cựu chiến binh Việt Nam sẽ phát hành một tuần từ 2 đến 3 kỳ vào thứ 2; thứ 4; thứ 6 hằng tuần” ông Nguyễn Duy Tường khẳng định.

Ông Tường cũng đề nghị, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ để đưa Báo Cựu chiến binh Việt Nam vào diện chính sách cấp báo miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020.

Chúc mừng đội ngũ người làm báo Cựu chiến binh nhân dịp 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ niềm vui mừng và trân trọng trước tinh thần vượt khó của người làm báo trong quân ngũ- những người khi trẻ sẵn sàng xông pha phục vụ trong quân đội, đến tuổi về hưu lại tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp báo chí nước nhà.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, báo Cựu chiến binh là cơ quan ngôn luận của Hội Cựu Chiến binh, tờ báo của 1 trong 5 tổ chức chính trị xã hội nên có vị trí vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Sắp tới cần bàn cách để kiến nghị Đảng, Nhà nước có sự hỗ trợ với tờ báo đặc biệt này.

Về việc kiến nghị để đưa tờ báo phát hành về các vùng dân tộc thiểu số, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tờ báo cần xây dựng ngay một số chuyên trang chuyên mục về dân tộc miền núi.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Hội Cựu Chiến binh tiếp tục chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn của tờ báo như vận động một số doanh nghiệp quân đội hỗ trợ cơ sở vật chất để nâng cấp báo điện tử, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, tham gia vào các chương trình mục tiêu của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm, chúc mừng báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Cựu Chiến binh