Chủ tịch nước: Cần kiến tạo một APEC vì người dân, doanh nghiệp

M.Loan 20/11/2016 14:30

Ngày 19/11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu bế mạc tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ta tại Nhà hát lớn quốc gia ở Thủ đô Lima của Peru.

Chủ tịch nước: Cần kiến tạo một APEC vì người dân, doanh nghiệp

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2016 (Ảnh: TTXVN).

Đây là sự kiện quan trọng nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương, được tổ chức thường niên trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC với sự tham dự của khoảng 1000 đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng những thành công nổi bật và đóng góp quan trọng của Cộng đồng doanh nghiệp APEC trong chặng đường vừa qua và cho rằng các doanh nghiệp chính là những người đi đầu trong việc đề xuất và hiện thực hóa nhiều ý tưởng về tăng trưởng, hợp tác và liên kết của Diễn đàn APEC cũng như toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước nêu rõ, năm 2016 là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng toàn cầu ở dưới mức trung bình 3%, thương mại toàn cầu cũng ở mức thấp nhất trong 15 năm qua và tăng trưởng chung của APEC có nguy cơ chậm lại so với thế giới.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu, khủng bố quốc tế, dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, vấn đề di cư… đang đặt ra nhiều thách thức chưa từng có đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với cam kết toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự về phát triển bền vững và Thỏa thuận về biến đổi khí hậu đang tạo động lực mới để tăng trưởng chất lượng và bao trùm.

Những liên kết kinh tế sâu rộng mang tính bước ngoặt, nổi bật là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Cộng đồng ASEAN… cũng hứa hẹn mang lại không gian phát triển rộng lớn.

"Trong thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế. Trọng tâm của những năm tới là cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa... Các nền kinh tế thành viên cần kiến tạo một APEC vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu", Chủ tịch nước chia sẻ.

Đồng thời, Chủ tịch nước khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước kém phát triển đã vươn lên trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình.

Việt Nam hiện là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và dự báo đến năm 2020 sẽ nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo.

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế với mục tiêu là đến năm 2020 đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,5% đến 7%, quyết tâm thực hiện ba đột phá lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cùng với đó là đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, nhất là các ngành công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, các ngành công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển và ngành du lịch.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo, minh bạch, hiệu quả, vì người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể; khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Là nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam ngày càng gắn kết sâu rộng với hai bờ Thái Bình Dương thông qua các quan hệ đối tác, Cộng đồng ASEAN và mạng lưới 16 FTA với 59 đối tác, trong đó có 18 nền kinh tế thành viên APEC.

Hợp tác hiệu quả của các doanh nghiệp APEC tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tại các nền kinh tế APEC là minh chứng sinh động của sự gắn kết này. Có thể kể đến thành công của tập đoàn Viettel, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của Việt Nam, tại Peru.

Đánh giá cao sự ủng hộ và đồng hành của Cộng đồng doanh nghiệp APEC trong suốt chặng đường 30 năm đổi mới và gần 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC, Chủ tịch nước giới thiệu chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và đề nghị các doanh nghiệp cùng làm nên một Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mới, đề xuất sáng kiến, ý tưởng thiết thực.

"Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong chào đón các doanh nghiệp APEC đến Việt Nam tham dự các hoạt động của năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp và năng động vào tháng 11 năm tới. Những cơ hội mới và tiềm năng hợp tác to lớn đang chờ đón tất cả các doanh nghiệp", Chủ tịch nước khẳng định.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo và Hội đồng doanh nghiệp APEC, gặp gỡ các nhà lãnh đạo APEC và tham dự gặp gỡ cấp cao TPP lần thứ 7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch nước: Cần kiến tạo một APEC vì người dân, doanh nghiệp