Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói: “Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng ta, Nhà nước ta, của nhân dân ta, của cách mạng Việt Nam."
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Công ty Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), ngày 29/12/1994. (Ảnh: TTXVN).
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều đóng góp quan trọng đối với Đảng, Nhà nước và quân đội.
Đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) về những đóng góp nổi bật của đồng chí Lê Đức Anh đối với cách mạng Việt Nam.
Người cộng sản, chiến sỹ cách mạng kiên trung, người chỉ huy quân sự tài ba
Đồng chí Lê Đức Anh sinh ra và lớn lên tại xã Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cảnh nước mất, nhà tan, người dân sống cơ cực dưới gót giày thực dân, phong kiến, đã hun đúc trong đồng chí Lê Đức Anh lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng.
Ngay từ khi còn trẻ tuổi, đồng chí Lê Đức Anh đã giác ngộ và bước vào hoạt động cách mạng bằng việc tham gia các tổ chức quần chúng lao động ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Năm 1937, khi còn là công nhân làm việc ở nghiệp đoàn cao su Lộc Ninh, đồng chí đã tham gia đấu tranh và hoạt động hăng hái trong phong trào dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, nhằm chống chế độ bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và đòi các quyền dân chủ, dân sinh của người lao động.
Với bầu nhiệt huyết cách mạng và chí khí đấu tranh cùng năng lực tổ chức hoạt động đã được tôi luyện trong phong trào công nhân, năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, khi mới 18 tuổi.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí trực tiếp chỉ đạo quân đội tỉnh Thủ Dầu Một chuẩn bị khởi nghĩa và tham gia giành chính quyền ở tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, đồng chí tham gia quân đội, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được cử giữ các chức: Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn; Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ.
Đồng chí đã bám sát thực tiễn, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa bàn, theo phương châm “Dựa vào dân mà chiến đấu” và giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong Chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây-Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. (Ảnh: TTXVN).
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí được Đảng giao các chức vụ: Cục phó Cục tác chiến; Cục trưởng Cục quân lực Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam; Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 9; Phó Bí thư Bộ Tư lệnh miền Nam; Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trên các cương vị này, với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Tổng Quân ủy, Bộ Tư lệnh miền, hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch tác chiến chiến lược, như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó, đồng chí đã tỏ rõ là một tài năng quân sự, nhà tham mưu chiến lược tài ba.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp Campuchia; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, đồng chí đã cùng Quân ủy Trung ương, tham mưu cho Đảng, Nhà nước vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm tốt nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp Campuchia, đồng chí đã quán triệt nghiêm túc đường lối đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam “giúp bạn tức là tự giúp mình”; chuẩn bị mọi mặt chu đáo trong các cuộc tiếp xúc với nước bạn; coi trọng công tác chuyên gia, luôn chỉ đạo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần và phát huy trình độ, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ này, thường xuyên rèn luyện cho cán bộ, bộ đội tình nguyện tính tổ chức kỷ luật cao trong chấp hành các mệnh lệnh, nguyên tắc. Kết quả hoạt động đối ngoại của đồng chí đã góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị quốc tế Việt Nam-Campuchia.
Vượt qua bao cam go, thử thách khốc liệt của chiến tranh, đồng chí Lê Đức Anh luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí là một đảng viên cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự tài ba trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc có uy tín lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nói: “Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng ta, Nhà nước ta, của nhân dân ta, của cách mạng Việt Nam."
Tham gia thực hiện công cuộc đổi mới đất nước
Năm 1992, đồng chí Lê Đức Anh được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi đó, đồng chí đã trên 70 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng đồng chí vẫn ra sức thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước phân công.
Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố.
Một trong những điều mà đồng chí luôn quan tâm trong suy nghĩ và hành động của mình là làm sao các cơ quan nhà nước phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, thực sự đại diện cho quyền lợi của người dân và phục vụ hiệu quả những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Để thực hiện điều này, đồng chí đã nhiều lần đi thăm và làm việc với các địa phương.
Bên cạnh việc biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, nhân dân các địa phương đạt được, đồng chí cũng nêu lên một số ý kiến để Đảng bộ, chính quyền các địa phương cần thực hiện.
Đồng chỉ nêu rõ: Để đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải đẩy mạnh sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực thực hiện tốt chủ trương của Đảng là “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ."
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, “tận trung với nước, tận hiếu với dân."
Đồng chí Lê Đức Anh luôn phấn đấu, học tập không ngừng, nâng cao tri thức về mọi mặt; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sỹ và trước cấp trên; luôn có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong cuộc sống, đồng chí sống trung thực, giản dị, tiết kiệm, gần gũi, thủy chung với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào. Đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lời kết của cuốn Hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh-Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng," đồng chí đã viết: “Từ thực tiễn hơn 70 năm hoạt động cách mạng của mình, tôi rút ra được đôi điều tâm huyết là phải luôn luôn rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục, quá trình rèn luyện cần hội tụ đủ ba yếu tố. Thứ nhất là luôn học tập không ngừng, nâng cao tri thức mọi mặt, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ hai là thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sỹ và trước cấp trên. Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, lập trường cách mạng, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, năng động, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng và mệnh lệnh của cấp trên. Thứ ba là luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sỹ cộng sản, có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, của nhân dân, của dân tộc; luôn phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc, hết lòng thương yêu gắn bó với nhân dân, gắn bó với Tổ quốc thì dù khó khăn, gian khổ ác liệt và nguy hiểm đến mấy chúng ta cũng vượt qua được."
Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Xí nghiệp Khai thác đá quý Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, ngày 27/10/1992. (Ảnh: TTXVN).
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi, vượt qua bao cam go, thử thách khốc liệt của chiến tranh, dù ở bất kỳ cương vị công tác, điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Đức Anh vẫn luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.