Chiều 13/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh làm việc với UBND Thành phố về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị , nhiều đại biểu nêu quan điểm xin cơ chế để đầu tàu kinh tế cả nước phát triển. Ông Trương Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, sau dịch bệnh, thành phố phục hồi với kết quả thể hiện tiềm năng, tiềm lực lớn. Đây chính là lý do thành phố trở thành đầu tàu kinh tế lớn của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề bất cập chưa được tháo gỡ. Đơn cử, hạ tầng đô thị phát triển chưa đồng bộ; lao động thu nhập thấp, an sinh vẫn có vấn đề, lạm phát đang tăng cao nên bộ phận công chức viên chức khó khăn về đời sống. Nhà ở cho người thu nhập thấp đã bàn từ 20 – 30 năm qua nhưng đến nay phân khúc nhà ở chủ yếu là khu vực trung bình và cao. Theo ông Nghĩa, sắp tới đây TPHCM phải đối diện với không ít khó khăn. “Thành phố xin cơ chế nhưng cần được cho đúng độ tự chủ và đột phá. Không đúng độ, mọi việc không chín được. Trong đó, tài chính ngân sách phải có mức độ tự chủ cao hơn mặt bằng pháp lý và cơ chế hiện hữu. Không nên đưa ra biện pháp trung dung, vì trung dung thì không thể làm được gì cả. Về nhân lực, với yêu cầu của Trung ương giao và yêu cầu của thành phố 10 triệu dân thì hiện đang thiếu cán bộ ngang tầm nhiệm vụ từ cấp sở đến quận, huyện” - ông Nghĩa nói.
Liên quan đến nguồn lực phát triển TPHCM, một số đại biểu cho rằng, nên tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại cho thành phố ở mức 23%, thay vì 21% như hiện nay. Những năm tới nên để lại tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM ở mức 26%. Tăng điều tiết ngân sách để dành cho đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ và đào tạo.
Trước những khó khăn mà TPHCM đang đối diện, đặc biệt là vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chia sẻ: “Thành phố không xin tiền, chỉ xin cơ chế, chính sách. Cái gì xã hội làm được để cho xã hội làm”. Theo ông Trí, xã hội hóa đầu tư thì nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, không phải can thiệp nhiều. “Thành phố phải rà soát lại xem chọn lĩnh vực nào, sản phẩm chủ lực gì, từ đây đề xuất cơ chế chính sách” - ông Trí nhấn mạnh.
Báo cáo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về kinh tế xã hội TP HCM, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2022 của thành phố đi đúng hướng theo kế hoạch. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 9,97% so với cùng kỳ, trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30,02%. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350 ngàn tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Đánh giá cao kết quả kinh tế mà TPHCM đạt được trong thời gian qua, song ông Phan Văn Mãi cũng trăn trở, khi tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác tốt. Kinh tế thành phố tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước. Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người không đạt; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng. Vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước giảm sút; năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội phát triển thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trước những khó khăn của TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, thành phố phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vượt qua khó khăn hiện nay. Theo Chủ tịch nước, sau đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội của thành phố đã có những kết quả đáng ghi nhận. Điều này thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, đồng thời là sự động viên lớn cho thành phố. “Mặc dù, kinh tế tăng trưởng trở lại tốt hơn nhưng thành phố cũng không quá say sưa với thành quả ban đầu vì hiện nay nguy cơ lạm phát tăng cao đang ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, rồi những khó khăn về quy hoạch, tín dụng...” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Mong muốn TPHCM phát triển xứng tầm đầu tàu kinh tế của cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành phố có thể tỏa sáng dựa trên khoa học công nghệ và sức trẻ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thế nhưng, những chính sách về đất đai, ngân sách trước đây có thể chưa phù hợp để phát triển khoa học công nghệ hiện nay nên cần phải làm mới hơn. Các bộ, ngành phải tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, thể chế, chính sách để thành phố có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.