Đó là lời dặn dò của chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với các phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM sau 5 năm thực hiện.
Các điển hình thi đua yêu nước giao lưu tại Hội nghị
Ngày 4/7, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã long trọng tổ chức khai mạc Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VI năm 2015. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các lãnh đạo TP.HCM đã đến tham dự đại hội.
Trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua yêu nước (2010 – 2015), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã điểm ra một số những thành quả tiêu biểu của thành phố, như: phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã giúp thành phố ổn định được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát, duy trì tăng trưởng. Trong đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 5 năm bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân của cả nước; là địa phương chủ chốt đóng góp vào ngân sách quốc gia, tức góp đến 30% vào nguồn thu ngân sách. Trong phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thì huyện Củ Chi đã trở thành huyện đầu tiên được Chính phủ công nhận chuẩn nông thôn mới, với 20/20 xã đạt chuẩn. Thành phố cũng thực hiện 6 chương trình đột phá, tạo ra diện mạo mới cho thành phố, giúp duy trì vai trò đầu tàu của cả nước suốt hàng chục năm qua. Theo ông Thuận, phong trào thi đua yêu nước của MTTQVN TP.HCM và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng có sự sáng tạo và đạt được hiệu quả.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các lãnh đạo trung ương và TP.HCM chụp ảnh cùng các điển hình thi đua yêu nước thành phố
Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân nhìn nhận vai trò của Đảng bộ và chính quyền thành phố chính là xuất phát từ việc thấm nhuần nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đã luôn đa dạng các hình thức phong trào để phát huy truyền thống yêu nước cũng như sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể, với mỗi năm một chủ đề thi đua khác nhau, trong 5 năm qua thì TP.HCM đã tập trung phong trào vào giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố, từ đó tạo động lực cho phong trào thi đua phát triển. Trong đó, với kinh nghiệm, sự chủ động, năng động qua 30 năm đổi mới TP.HCM vẫn phát huy tốt vai trò của Ủy ban MTTQVN và các tổ chức đoàn thể thành phố để đạt kết quả cao nhất trong các phong trào thi đua yêu nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn ra nhiều lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước để các lãnh đạo TP.HCM rút kinh nghiệm: “Thu đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”; “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”; “Thi đua là cách tốt nhất, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua nữa”.
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân phát biểu khai mạc Hội nghị
Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang soi vào đánh giá kết quả của TP.HCM: “Thành phố vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, nơi đây là điểm Bác dừng chân trước khi ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong suốt chặng đường lịch sử đã qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố luôn khắc sâu, làm theo lời dạy của Bác”. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Chủ tịch nước đánh giá: “Nhiều năm liên tục thành phố là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của cả nước. Các phong trào thi đua đã tạo ra động lực và khí thế để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX đề ra. Thành phố giữ vững vị trí là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, hội nhập quốc tế của cả nước và khu vực”. Tuy nhiên, tại Hội nghị, Chủ tịch nước cũng chỉ ra nhiều yếu kém, hạn chế trong phong trào thi đua yêu nước mà thành phố cần tiếp tục rút kinh nghiệm. Đó là việc một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng. Công tác chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua của nhiều cấp chính quyền, ban, ngành, cơ quan, đơn vị còn chưa thường xuyên liên tục; công tác tuyên truyền và vận động còn chưa mạnh mẽ, thuyết phục; nội dung thi đua chưa cụ thể, phong phú, thiết thực; thiếu kiểm tra, đôn đốc. “Muốn tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong các phong trào thi đua của cả nước thì cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác Hồ. Trong đó, Bác Hồ dạy “nhiều người tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”, Chủ tịch nước nhắc lại.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể đạt thành tích thi đua xuất sắc