Chủ tịch nước đã khẳng định như vậy tại buổi tiếp xúc của Tổ ĐBQH- Đơn vị số 1 với cử tri Q.1 và Q.3 (TP.HCM) vào ngày 29-6.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với cử tri Q.1, TP. HCM, sáng 29-6
Ảnh:Hồng Phúc
Bày tỏ với Chủ tịch nước và tổ ĐBQH, cử tri Nguyễn Việt Hùng tâm tư: Trong dư luận, nhân dân lo lắng nhiều vì ngư dân bị chèn ép, thu ngư cụ trên biển, bị tàu Trung Quốc gây khó dễ. Ngư dân Việt đánh bắt bao đời trên ngư trường truyền thống nay đang gặp nhiều khó khăn. Một số ý kiến cử tri Q.1, Q.3 cũng lo lắng trước tình hình phức tạp trên Biển Đông, với các hoạt động của Trung Quốc mở rộng, bồi lấp các đảo chìm thành đảo nhân tạo.
Chia sẻ với cử tri về vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Từ rất lâu, Nhà nước đã có những chính sách, giải pháp để hỗ trợ ngư dân. Ngoài ra, có rất nhiều tổ chức, quỹ hỗ trợ kinh tế đã đứng ra giúp ngư dân trang bị tàu, ngư cụ ra khơi. “Đành rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng đất nước vẫn giúp ngư dân hình thành các đội tàu công suất lớn để ra khơi. Một số thủ tục còn rườm rà, nhiêu khê cần tiếp tục được khắc phục. Thế nhưng một điều chắc chắn là Đảng và Nhà nước sẽ không thể để cho ngư dân tự bơi một mình”- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Đối với ý kiến của cử tri Nguyễn Hoài Nam (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) đặt vấn đề cần phản ứng quyết liệt hơn trước hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Chủ tịch nước cho biết, hai bên đã từng có nhiều cuộc đàm phán, chứ không phải chỉ là những lời phản đối đơn giản. “Cả hệ thống chính trị của chúng ta đều đã làm việc đối với các sự việc có liên quan đến Trung Quốc, nhiều nước khác, chứ không phải chỉ riêng Bộ Ngoại giao”- Chủ tịch nước khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước.
Tại buổi tiếp xúc với cử tri Q.1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lắng nghe và giải đáp những khúc mắc, lo lắng của cử tri liên quan đến sự kiện Quốc hội bấm nút thông qua Dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Theo ĐBQH Trần Du Lịch, tại kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, thông qua nhiều đạo luật quan trọng, cũng như các dự án quốc gia cấp thiết. Trong đó, Quốc hội quyết chủ trương quan trọng là đầu tư sân bay quốc tế Long Thành. Nếu không xây sân bay này thì Tân Sơn Nhất sẽ đến lúc quá tải. Tuy nhiên, sau khi có chủ trương thì Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ dự án này.
Cử tri Tạ Quang Hưng (Q.1) bày tỏ lạc quan khi cho rằng việc Quốc hội bấm nút dự án sân bay quốc tế Long Thành kèm theo đó là sự giám sát chặt chẽ, như vậy là rất yên tâm và đáng mừng. Tuy nhiên cử tri Hưng cũng góp ý là rút kinh nghiệm khi lựa chọn các chủ đầu tư, nhà thầu kém uy tín, họ thường đấu thầu giá rẻ nhưng thi công chậm trễ, đội vốn cao. Vấn đề tiếp nữa là để người dân cũng có thể cùng dõi theo để giám sát, phản biện.
Về vấn đề này, Chủ tịch Trương Tấn Sang chia sẻ: “Sân bay Biên Hòa, tôi có đến thăm nhiều lần. Không chỉ sân bay này mà các sân bay của mình hiện đều lưỡng dụng cả. Khi có chiến tranh thì quân sự, thời bình là dân sự. Tân Sơn Nhất hiện nay có 2 đường băng nên không thể cất cánh và hạ cánh cùng một lúc. Quốc hội đã bàn rồi nhưng không thể có khả năng mở rộng được nên mới quyết định làm Long Thành”. Theo Chủ tịch nước, Singapore, Thái Lan đã làm sân bay quốc tế mới từ lâu rồi. Vì vậy, với đất nước có 100 triệu dân, với đà này thì 10 năm nữa sân bay Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng nhu cầu đón 25 triệu hành khách. Do đó, cũng là vấn đề cấp thiết phải xây Long Thành. Chủ tịch nước khẳng định: “Không có tham nhũng, lãng phí ở đây. Bởi vì khi làm thì Chính phủ phải trình đề án, Quốc hội xem xét phê duyệt, giám sát suốt quá trình triển khai dự án”.
Tại buổi tiếp xúc, một số ý kiến cử tri phản ánh việc các đơn thư gửi đến Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM không nhận được hồi âm, hoặc quy trình, thủ tục tiếp nhận rườm rà khiến dân phải đi lại nhiều. Về vấn đề này, ông Trần Du Lịch cho biết, là thành phố đông dân nhất nước, mỗi năm Đoàn ĐBQH TP.HCM nhận 2.400 đơn thư, vụ việc, mà nhiều khi ra Hà Nội họp Quốc hội thì bản thân ông cũng mang theo cả con dấu để đọc và giải quyết đơn thư ngoài giờ làm việc. “Tuy nhiên thực sự là với một lực lượng mỏng như hiện nay thì chúng tôi lực bất tòng tâm với một khối lượng công việc lớn như trên. Vì vậy, cũng rất mong cô bác cử tri hiểu và thông cảm cho Văn phòng”- ông Lịch chia sẻ.
Liên quan đến ý kiến của một số cử tri than phiền ĐBQH xa dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: “Chúng tôi nghe một số cử tri phản ánh là khu phố, phường dặn không được nói thế này, thế kia nhưng làm thế thì nguy hiểm mà nhiều khi tạo khoảng cách với dân”. Chủ tịch nước băn khoăn: “Tại sao những vụ việc phản ánh ở đây không ai đại diện những vấn đề của dân, không nói ra? Mạnh dạn nói. Địch không sợ mà ta với ta lại sợ. Vô lý.”