Ngày 7/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.
Dự hội nghị có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quán triệt Nghị quyết của Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội Khóa XV đã tổ chức thành công 4 kỳ họp; ban hành 8 luật, cho ý kiến lần đầu 6 dự án luật khác; ban hành 62 nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan; kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ đóng góp của cử tri và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, các nhà khoa học, trong đó có sự đóng góp quan trọng và tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các vị đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng.
Cho biết kỳ họp thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 15-18/8/2022 để có thêm ý kiến đa dạng, nhiều chiều giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở các vấn đề lớn. Theo đó, về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Quan điểm của Đảng ta về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là mục tiêu và động lực để khơi dậy sức mạnh, nguồn lực nhân dân trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay còn một số vấn đề đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm như: điều chỉnh việc thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, và đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định luật này có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được dân chủ cơ sở hay không?
Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án luật này liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào các nội dung: hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra; việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước; tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tại một số sở và thẩm quyền thành lập Thanh tra sở của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quy trình thanh tra, cơ chế phối hợp, xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, kiểm toán.