Những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của cử tri cả nước như: Mất an toàn cháy nổ tại các khu chung cư, mất an toàn vệ sinh thực phẩm khiến Việt Nam nằm trong nhóm 2 của bản đồ ung thư thế giới... được Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề cập trong phát biểu của mình tại phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ diễn ra sáng nay, 2/4.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.
Về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá, trong quý I-2018, biểu đồ tăng trưởng GDP đạt 7,38% là rất đáng phấn khởi,mức tăng trưởng năm nay cao hơn năm trước và cao nhất so với 10 năm trở lại đây. Đây là cơ sở để đạt mục tiêu 6,8% như kịch bản Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình bày.
“Tôi nghĩ rằng với tinh thần quyết tâm thi đua của cả nước, năm nay kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc và với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong cả nước chúng ta hoàn toàn tin tưởng kinh tế của đất nước có chuyển biến tích cực trong năm nay”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Một điểm mới cũng đáng phấn khởi theo người đứng đầu Mặt trận, đó là cử tri, nhân dân đánh giá cao trách nhiệm của các thành viên Chính phủ tham gia vào phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đó có thực hiện nội dung thí điểm chất vấn, trả lời chất vấn ngay tại phiên họp với hai Bộ trưởng Tư pháp và Khoa học Công nghệ. Đặc biệt, cùng tham gia trả lời chất vấn có hai Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và 6 Bộ trưởng cũng đã giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
Thông qua các phiên chất vấn này người dân đã thấy rõ trách nhiệm bao quát trong các lĩnh vực mình quản lý của các thành viên Chính phủ. Việc trả lời một cách thẳng thắn, cầu thị của các thành viên Chính phủ đã làm rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm hành động của Chính phủ.
Đại diện cho cử tri, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị lời hứa của các bộ trưởng cần được thực hiện khẩn trương, hiệu quả, có giải pháp phù hợp, đủ mạnh đáp ứng yêu cầu cử tri nhân dân cả nước.
Tại phiên họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng thay mặt cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Chính phủ 4 kiến nghị:
Thứ nhất, trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, hàng loạt vụ cháy chung cư xảy ra. Trong các báo cáo về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã phản ánh sự bất cập của quản lý hành chính tại địa phương, chủ đầu tư và đề cập trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, người dân lo ngại về thực trạng PCCC tại các chung cư cao tầng, kể cả chung cư được gọi là cao cấp.
“Người dân ở chung cư rất lo sợ vấn đề cháy nổ, có thực tế đặt ra tại chung cư Carina sau thảm họa cháy làm 13 người chết là những lỗ hổng chết người này mới được biết, dù trước đó, cơ quan PCCC đã kiểm tra và kết luận, không phát hiện điều gì bất thường”, Chủ tịch Mặt trận nói và nhận định: Rõ ràng “công tác rà soát quy trình quản lý chung cư, PCCC, cơ sở có vấn đề”.
Theo đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nghiên túc thực hiện Luật PCCC, Nghị định 79/2014 NĐ-CP của Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và đặt trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư trong việc buông lỏng khâu thiết kế, quản lý thi công đến vận hành, bảo trì là đề cao kỉ luật PCCC, tăng cường diễn tập, tuyên truyền đến người dân về công tác PCCC.
Vấn đề thứ hai theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hiện nay Việt Nam nằm trong nhóm 2 của bản đồ ung thư thế giới. Như vậy, mỗi ngày có khoảng 315 người chết vì ung thư, trong đó có 80% các bệnh ung thư do tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài và chế độ ăn uống. Nguyên nhân đứng đầu là thực phẩm bẩn chiếm 35%.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhận định, “thực phẩm bẩn đang giết mòn người dân Việt Nam, với những câu chuyện đau lòng thiếu giá trị đạo đức như, lượng hóa chất độc hại do tiêm, bơm, tẩm ướp với một số mặt hàng nông sản”.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ ngành chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm thật, để thực phẩm không còn bào mòn sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thứ ba, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, việc thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ đã mang lại kết quả bước đầu, nhưng qua kiểm tra ngành thuế, hải quan còn điểm nghẽn, chưa thực sự hài lòng. Điểm chưa hài lòng chính là tính minh bạch của môi trường kinh doanh chưa cao. Hệ thống giải quyết tranh chấp cho DN còn chưa tốt. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, phiền hà trong tiếp cận hồ sơ đất đai và sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương còn là mối quan ngại cho nhiều DN.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, hằng năm MTTQ, các tổ chức thành viên có đi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 35 và 19 đối với ngành thuế, hải quan. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách hành chính ở các cấp, bộ, ngành TƯ, cắt giảm điều kiện kinh doanh gây trở ngại cho DN, có chính sách hỗ trợ kịp thời đồng thời yêu cầu các DN nâng cao công tác quản trị DN trong điều kiện hiện nay.
Vấn đề thứ tư, người đứng đầu MTTQ Việt Nam đề cập đến câu chuyện được mùa mất giá, sản xuất dư thừa, không có thị trường tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nông sản không tiêu thụ được, phải giải cứu như, dưa hấu, củ cải, mía đường…
“Thực trạng này sẽ còn tiếp diễn nếu các hộ nông dân tiếp tục sản xuất kinh doanh đơn lẻ, cá thể như hiện nay”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
“Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nâng cao năng lực kiểm soát cung cầu, chất lượng thực phẩm, có quy hoạch cơ cấu ngành một cách hợp lý, nâng cao nhận thức trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân về chủ trương tham gia hợp tác xã là yêu cầu tất yếu để hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững, đủ năng lực cạnh tranh, bình đẳng trong kinh tế thị trường, bởi nếu không có hợp tác xã thì không thể tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Về công tác giám sát của MTTQ Việt Nam Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, năm 2018, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam triển khai 11 chương trình giám sát: (giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong lĩnh vực thuế và hải quan; về triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; giám sát việc thực hiện pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020; giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020; về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; về giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc thực hiện Luật khoa học và công nghệ và thực hiện Nghị quyết Trung ương VI về phát triển khoa học và công nghệ...) với sự tham gia của 15 tổ chức thành viên và 13 bộ, ngành và Chính phủ.
Chủ tịch MTTQ đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phối hợp hỗ trợ, chỉ đạo các bộ ngành địa phương thực hiện hoạt động giám sát năm 2018 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, tới đây Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ sẽ tiến hành sơ kết quy chế phối hợp năm 2017 và đề ra chương trình phối hợp 2018.