Chùa ảo tâm thực

Huy Văn 16/03/2020 08:00

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa phần các lễ hội đều dừng không tổ chức. Những “đền to, phủ lớn, chùa thiêng” lượng du khách đi lễ, vãn cảnh ít đi rất nhiều so với mọi năm. Với những người trẻ tâm thành, công việc bận rộn hay dịch Covid-19 có thể ngăn bước chân họ tới chùa, nhưng không thể cản nổi họ đi lễ chùa bằng hình thức online…

Chùa ảo tâm thực

Hình ảnh tượng Phật trong chùa ảo.

Thời gian gần đây, có một hình thức “đi chùa” mới được nhiều bạn trẻ áp dụng là đi chùa… online. Khi bấm vào trang chủ “chuaonline.com” liền thấy hiện ra dãy ban thờ 5 vị Phật trong một ngôi chùa như thật. Bấm vào thanh công cụ “chùa” sẽ thấy có các phòng cầu siêu; hộ niệm - cầu an; phòng lễ giỗ ông bà. Bấm vào “audio” sẽ có kinh truyện Phật giáo, các kinh, thuyết pháp… Bấm vào “tủ sách” sẽ có nhiều kinh sách Phật giáo để xem. Còn bấm vào “văn hóa” sẽ có truyện Phật giáo, nét đẹp, hướng dẫn nấu ăn chay, hình ảnh Phật giáo…

Để người viếng thăm nhập tâm đảnh lễ, các hình ảnh tượng Phật, hình ảnh minh họa cho sự ra đời và giác ngộ của đức Phật tuy khác nhau, nhưng đều trang nghiêm. Các tượng Phật đều ở tư thế ngồi kiết già (hai chân đan vào nhau), trừ tượng Phật bà Quan Thế Âm đứng tay cầm hồ lô và cành dương liễu. Có tượng Phật tay chắp lễ, có tượng phật tay bắt quyết, có tượng Phật tay để đan điền… Họa tiết trang trí là hình lá bồ đề, hình hoa sen, đốm lửa hình lá bồ đề…

Trang web này được thành lập bởi tuvien.com, là cổng thông tin Phật giáo Việt Nam. Vào trang web này, người ta có thể nghe tụng kinh, nghe thuyết pháp. Thậm chí thắp hương bằng cách bấm vào thanh công cụ và nhìn những cây hương cháy, tỏa khói.

Mục đích của “chuaonline.com” là nơi để “các Phật tử thắp hương, tụng kinh, niệm phật khi không có điều kiện đến chùa. Ngoài thời gian đến “chùa online” mời quý Phật tử nghe thêm thuyết pháp để thanh tịnh và bồi bổ tâm hồn”.

Tại chùa online, người dùng còn có thể đăng ký các loại hình như hộ niệm cầu an, cầu siêu hay lễ, giỗ tổ tiên thông qua việc điền thông tin vào các biểu mẫu online có sẵn. Sau khi điền thông tin, tất cả sẽ lưu về một danh sách theo từng mục. Tuy nhiên việc cúng bái sẽ diễn ra như thế nào thì chùa online không hề nói rõ.

Từ khi trang web xuất hiện, đến nay đã có tới 3,6 ngàn lượt chia sẻ, còn lượt truy cập là bao nhiêu không thấy thống kê.

Nhiều người trẻ “đi lễ chùa online” cho biết họ thường tranh thủ vào những lúc rảnh rỗi hay giờ nghỉ. Nhất là mỗi khi có sự việc gì khiến tâm bất an mà không đi lễ chùa được. Hầu hết “du khách thập phương” tới viếng “chùa ảo” là dân văn phòng, công sở. Do vậy, mọi người vẫn nói vui với nhau rằng, dù ngôi chùa là ảo nhưng việc tiết kiệm thời gian là thật. Nhất là trong lúc các ca nhiễm Covid-19 bất ngờ tăng mạnh mấy ngày vừa qua và các chùa to, chùa thiêng đóng cửa, thì việc “đi lễ chùa online” vẫn giữ được tâm thành. Có người còn cho rằng, ngay cả khi chùa mở cửa trở lại, mà dịch vẫn còn thì “đi lễ chùa online” vẫn là lựa chọn để tránh tụ tập nơi đông người.

Tuy chùa online “mở cửa” đón khách được hơn một năm, nhiều người đã biết tiếng, nhưng với số đông, đi lễ chùa thực ngoài đời mới là thành tâm. Ở những ngôi chùa thực, tượng Phật, ban thờ đã được “hô thần nhập tượng”. Ở đó là thế giới thực với tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh, cảnh sắc không gian tươi tắn, biến đổi từng giây. Ở đó, dù chỉ là công đức “giọt dầu” với những đồng tiền lẻ cũng là công đức thật để bảo vệ di sản, hướng lòng thành kính tới đức Phật. Khi được hỏi về các quan niệm đi lễ khác nhau này, sư thầy Thích Thanh Nguyên- trụ trì chùa Linh Ứng (Hà Nội) cho rằng: “Đi chùa online” là một trong những cơ hội để các Phật tử thành tâm hướng đến Phật khi chưa có điều kiện đi chùa. Đó cũng là một hình thức truyền bá tính hướng thiện đặc trưng của đạo Phật tới nhiều người hơn nữa. Dù chỉ đi lễ chùa trên mạng nhưng những tấm lòng thuần thành hướng thiện vẫn có thể tu học các kinh sách, triết lý Phật giáo.

Dân gian ta xưa có câu: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Câu ca dao này giản dị nhưng hàm nghĩa và được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Phải chăng ý nghĩa của câu ca dao này muốn nhắc nhở con người ta hãy hướng tới triết lý giác ngộ của Phật giáo. Cách tu từ gia đình, làng xóm đến cộng đồng làng xã, quốc gia vừa thể hiện ý thức trách nhiệm vừa thể hiện sự tu tập chi tiết trong đời sống hàng ngày. Vậy nên mới có câu “Phật tại tâm”, hay “tâm thành Phật chứng”.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhiều cư sĩ tuy chỉ tu tại gia nhưng vì giác ngộ được triết lý Phật giáo đã khiến nhiều thiền sư lui tới tham vấn. Ví như Tuệ Trung thượng sĩ, một vị võ tướng cầm quân đánh giặc Nguyên Mông được Phật hoàng Trần Nhân Tông bái làm thầy. Thiền tông Việt Nam coi trọng sự giác ngộ chứ không coi trọng “chùa to, phủ lớn”. Chùa cũng chỉ là phương tiện để người tu hành tu tập.

Đi chùa mạng vì tiện ích và vẫn giữ được tính hướng thiện của nó vì thế rất đắc dụng trong lúc đại dịch này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa ảo tâm thực