'Chữa bệnh' đùn đẩy trách nhiệm

H.Vũ (thực hiện) 08/05/2023 09:00

Tình trạng nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi các bộ, cơ quan chưa được giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời để tồn đọng kéo dài, né tránh đã không còn là cá biệt. Ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đã trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

PV: Thưa ông, thời gian qua có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm. Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng này?

Ông Nguyễn Quang Huân: Cái gì cũng có hai mặt của nó. Thời gian qua chúng ta làm nghiêm, xử lý các sai phạm. Nhưng mặt khác cũng khiến một số cán bộ, công chức có tâm lý e ngại, lo sợ. Không làm thì không sai, nhưng làm thì có khi bị sai, bị phê bình, có khi dính vào vòng lao lý nên né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

Bao giờ sự thay đổi cũng có những “điểm chững” như thế. Nó xảy ra ở tất cả các quốc gia chứ không riêng gì nước ta, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ. Chúng ta phải chấp nhận quá trình này nhưng dần dần sẽ có sự thay đổi, thúc đẩy ở từng bộ, ngành, địa phương. Khi vượt qua nó sẽ trở lại trạng thái bình thường.

Lâu nay việc không phân rõ trách nhiệm của các bộ, địa phương cũng khiến các kiến nghị chậm được giải quyết, thưa ông?

- Trước kia khi phát sinh vấn đề là các bộ, ngành có thể có ý kiến trình lên Chính phủ ngay. Nhưng bây giờ sợ “có vấn đề” nên bộ, ngành này muốn xin ý kiến của nhiều bộ, ngành khác. Sau khi thống nhất mới xin ý kiến Chính phủ. Tương tự, các địa phương lại xin ý kiến các bộ, ngành. Ngay bộ, ngành là nơi hiểu quy trình, hiểu luật mà còn xin ý kiến lòng vòng giữa bộ nọ, bộ kia thì địa phương cũng khó tránh khỏi tâm lý e ngại. Thủ tục phải qua nhiều bộ, ngành sau đó đưa ra Chính phủ xin ý kiến cũng là khâu khiến quá trình xử lý công việc bị chậm lại.

Sau đó ra chính sách áp dụng vào thực tế để mọi người quen và vận hành cũng mất một thời gian. Nhưng, hiện nay chúng ta đang thay đổi dần dần theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, phải đưa ra các quy định rõ ràng, cụ thể về các quy trình để từng bộ, ngành, địa phương biết được xử lý trong phạm vi nào.

Trước kia một việc có thể nhiều bộ chịu trách nhiệm, nhưng hiện nay đã giảm đầu mối. Tuy nhiên, cơ chế đó dường như chưa phát huy được tính hiệu quả, thưa ông?

- Điều hành nền kinh tế vĩ mô không giống như một máy tính được lập trình sẵn. Nó liên tục xảy ra các vấn đề và cần điều chỉnh dần dần. Do đó giữa lý luận và thực tiễn nhiều khi phải “soi chiếu” và “bám sát”.

Quá trình này phải có lộ trình, có sự kế thừa. Quan trọng là phải thấy được chiều hướng chúng ta đang tốt lên, đây là điều đáng mừng. Chứ khó có thể đòi hỏi năm nay bộ này thế này, sang năm phải đạt thế kia, chỉ cần năm sau tốt hơn đã là cố gắng lớn.

Và một bộ thay đổi thì các bộ khác cũng sẽ phải thay đổi theo.

Sự chậm trễ, đùn đẩy sẽ làm lỡ cơ hội phát triển. Đó là một sự lãng phí lớn, thưa ông?

- Đương nhiên. Nếu nhận thức của xã hội tập trung cùng một hướng, cùng làm thì sẽ tiến nhanh. Việc đùn đẩy trách nhiệm, né tránh đúng là một vấn đề. Nhưng quan trọng là phải thay đổi tư duy để không đùn đẩy trách nhiệm, đây là việc không dễ.

Tôi cho rằng, chúng ta cũng không nên bi quan quá. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều nước còn tăng trưởng âm, nhiều nước chỉ đạt tăng trưởng 3%, còn chúng ta đạt tăng trưởng 8,02% trong năm 2022 là điều rất đáng mừng.

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 365/CĐ-TTg, yêu cầu dứt khoát không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cái gì thuộc trách nhiệm của bộ mình, địa phương mình thì giải quyết ngay không xin ý kiến lòng vòng và đẩy lên Chính phủ. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Chính phủ?

- Không đùn đẩy né tránh là quyết tâm chính trị rất cao. Để có thể đi vào thực tiễn, cần nhiều yếu tố đi kèm như quy trình rõ ràng, phân rõ trách nhiệm tới đâu. Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc đồng lòng thì mới thay đổi được.

Điều quan trọng là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Nếu không làm được thì xin từ chức sẽ là “tấm gương” cho cán bộ cấp dưới học tập vì “lãnh đạo nào thì phong trào đó”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chữa bệnh' đùn đẩy trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO