Việc bỏ trần giá vé máy bay nội địa lúc này sẽ khiến Nhà nước không còn công cụ điều tiết và giảm khả năng tiếp cận giá vé hợp lý của người dân. Vấn đề này còn nhiều luồng ý kiến khác nhau, có người muốn bỏ nhưng cũng có quan điểm ủng hộ.
Vấn đề nên bỏ hay nên giữ trần giá vé máy bay đã được tranh luận rất nhiều. Hồi đầu năm nay, các hãng hàng không đưa ra lập luận rằng việc bỏ hoặc nâng giá trần không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, vì các hãng sẽ có cơ hội xây dựng chính sách giá đa dạng, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, từ đó góp phần làm cho thị trường phát triển lành mạnh hơn. Các hãng hàng không mong muốn bỏ trần giá vé máy bay.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng quy định “giá trần, giá tối thiểu” vé máy bay nội địa để tránh các hãng hàng không “mạnh ai nấy làm”. Ông Phạm Văn Hoà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phân tích, việc hãng hàng không nói lỗ nên không muốn có giá trần là vì lợi ích của doanh nghiệp. Thời gian qua, hãng hàng không thua lỗ là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại báo cáo giải trình Luật Giá (sửa đổi) gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết một số ý kiến đề nghị bỏ giá trần với dịch vụ cảng biển, vé máy bay. Tuy nhiên, Luật Hàng không dân dụng và dự thảo Luật Giá hoàn chỉnh cơ chế định giá vé máy bay tới đây được chuyển từ khung giá sang giá tối thiểu, tức bỏ quy định giá sàn. Việc này nhằm khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là tạo điều kiện để đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ.
“Nếu bỏ giá trần sẽ dẫn tới không còn công cụ điều tiết giá với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa” - báo cáo giải trình của Chính phủ nêu. Ngoài ra, dịch vụ hàng không nội địa là dịch vụ thiết yếu, tác động tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh. Nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ đưa ra giá vé rất cao, nhất là một số tuyến cạnh tranh như vậy sẽ hạn chế vé trong giai đoạn cao điểm. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến xã hội.
“Với mặt bằng thu nhập bình quân của người Việt hiện nay, giá vé tăng cao sẽ làm giảm mức độ tiếp cận dịch vụ hàng không của người dân. Do đó, khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ bỏ giá trần vé máy bay” - theo báo cáo của Chính phủ.
Về dài hạn, theo Chính phủ, khi thị trường có nhiều hãng tham gia, cạnh tranh thực chất bằng vé giá rẻ, chất lượng dịch vụ và hành khách được quyền chọn mức giá theo nhu cầu, khả năng chi trả, khi đó mới phù hợp để bỏ trần giá vé.
Ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, hiện nay nhà nước có 2 phương thức quản lý giá đó là nhà nước định giá và để cho thị trường định giá.
Nếu là thị trường thực sự cạnh tranh, nhà nước nên để cho thị trường định giá. Nhà nước chỉ can thiệp bằng các biện pháp gián tiếp như sử dụng các công cụ tài chính, tín dụng, thương mại và các biện pháp khác…
Nếu còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì nhà nước định giá trần để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: 1 doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; 2 doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; 3 doanh nghiệp chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc 4 doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên…
Đối với hàng không, chỉ riêng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) và Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã chiếm trên 80% thị phần vận tải nội địa. Khi những doanh nghiệp có vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường được tự định giá thì sẽ tự tăng giá, các doanh nghiệp khác cũng sẽ tăng theo và người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Nhiều người dân sử dụng dịch vụ hàng không cho rằng, giá vé máy bay đặc biệt tăng cao vào dịp cao điểm, nghỉ lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại vượt xa khả năng cung ứng. Khác với đường bay quốc tế, đường bay nội địa của Việt Nam chỉ cho phép hãng hàng không trong nước khai thác. Với hầu hết đường bay nội địa, thị phần chủ yếu nằm ở 2-3 hãng hàng không, dịp cao điểm, giá vé máy bay của các hãng đều có xu hướng tăng, thậm chí tăng kịch trần. Do vậy, giữ trần giá vé máy bay là hợp lý để người dân không bị thiệt.
Ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, theo các quy định hiện hành, nhà nước vẫn phải quản lý và định giá trần vé máy bay để ngăn doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá, bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, không thể căn cứ số lượng doanh nghiệp hoạt động trên thị trường mà phải căn cứ vào tính chất độc quyền hay thống lĩnh mà nhà nước điều tiết giá.