Chữa căn bệnh lạm dụng quyền lực

Luật sư Lê Đức Tiết 13/05/2016 11:43

Tòa án hành chính phải thực sự trở thành công cụ răn đe nhạy bén đối với các viên chức thoái hóa. Đây là một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền. Tòa án hành chính có nhiệm vụ đặt mọi viên chức thường trực đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự, bị xử phạt về hành chính hoặc dân sự nếu họ phạm tội lạm dụng quyền lực.

Chữa căn bệnh lạm dụng quyền lực

Luật sư Lê Đức Tiết.

Lạm dụng quyền lực cùng với hậu quả của nó là nạn tham ô, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm... Lạm dụng quyền lực xảy ra dưới hình thức: “hành động trái pháp luật” (vượt quyền, lợi dụng quyền lực, cố ý làm trái pháp luật) và “không hành động theo pháp luật” (không thực hiện các hành vi quản lý hành chính theo chức trách, nhiệm vụ (kiểm tra, thanh tra, kiểm soát…).

Các nhà quản lý anh minh xưa nay luôn quan tâm tìm ra những cách phòng chống căn bệnh truyền kiếp này. Trải qua hàng nghìn năm nghiên cứu, thể nghiệm, loài người vẫn chưa tìm ra được “thuốc kháng sinh” để trừ bỏ căn bệnh mạn tính này. Phương thức nào cũng có mặt ưu, mặt khuyết của nó. Song hiện nay, nhiều nước rất coi trọng việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao vai trò của các Tòa án hành chính (TAHC) để làm công cụ đấu tranh phòng chống căn bệnh lạm dụng quyền lực. TAHC là công cụ để Nhà nước phòng chống tội phạm lợi dụng chức quyền của viên chức đồng thời là công cụ để nhân dân đấu tranh chống lại các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của dân do viên chức nhà nước gây ra.

TAHC phải thực sự trở thành công cụ răn đe nhạy bén đối với các viên chức thoái hóa. Đây là một trong những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền. TAHC có nhiệm vụ đặt mọi viên chức thường trực đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự, bị xử phạt về hành chính hoặc dân sự nếu họ phạm tội lạm dụng quyền lực.

Ở Việt Nam, các TAHC đã được thành lập và hoạt động. Nhưng theo nhận xét chung, các TAHC chưa được phát huy đầy đủ vai trò tác dụng của nó. Rất ít vụ việc lạm dụng quyền lực bị đưa ra xét xử. Hoạt động của các TAHC còn nhiều vướng mắc về nội dung, phạm vi thẩm quyền, về trình tự thủ tục.

Theo luật hiện hành, nội dung khởi kiện hành chính là các “quyết định hành chính và hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính và hành vi hành chính thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước”. Nội hàm của các cụm từ nói trên rất thiếu minh bạch. Đơn kiện, do vậy, có thể bị bác bỏ một cách tùy tiện.

Có trường hợp cơ quan hữu quan không chịu thi hành án đã có hiệu lực vì không đồng ý với phán quyết của tòa án. Có trường hợp việc bồi thường cho người bị oan sai kéo dài trong nhiều năm vì phải qua thủ tục thương lượng mức đền bù. Có trường hợp cơ quan có trách nhiệm đền bù đòi hỏi người được đền bù phải xuất trình hóa đơn chứng minh sự thiệt hại đã xẩy ra (!). Vậy người, tổ chức bị thiệt hại do hành vi lạm dụng quyền lực, bị oan sai phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của họ? Hiện chưa có câu trả lời. Phải chăng đây là kẽ hở của luật pháp để cho hành vi lạm dụng quyền lực tiếp tục tồn tại và lan rộng?

Hiện có sự phân vân về việc có nên quy định buộc phải khiếu nại hành chính trước khi khởi kiện ra Tòa Hành chính không?Có cần thiết phải quy định thời hiệu khiếu nại hành chính 30 ngày, 90 ngày không?.

Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác làm cho TAHC ở Việt Nam chưa phát huy hết vai trò, tác dụng của nó. Không phải không có căn cứ khi nhân dân cho rằng hiện tượng ô, dù, bao che cho nhau trong viên chức vẫn đang tồn tại trong các cơ quan nhà nước. Có những viên chức phạm tội đáng bị xử phạt hình sự thì chỉ bị xử lý kỷ luật nội bộ hoặc được điều động đi nơi khác, thậm chí được giao chức vụ cao hơn.

Nhân dân mong đợi rằng trong kế hoạch cải cách tư pháp tới, Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến việc cải cách các TAHC cho đúng với vai trò vị trí của nó. TAHC phải là công cụ nhạy bén và có hiệu lực của Nhà nước trong việc loại bỏ những viên chức thoái hóa ra khỏi bộ máy nếu họ bước vào vũng bùn của sự lạm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chữa căn bệnh lạm dụng quyền lực