Chiều 4/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019.
Mô hình bộ phận “một cửa” với cách làm minh bạch, thông thoáng là một trong những giải pháp chặn tham nhũng vặt.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo toàn ngành đã triển khai 5.252 cuộc thanh tra hành chính và 181.512 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 66.516 tỷ đồng (tăng 158% so với năm 2018), 1.799 ha đất (giảm 96%); kiến nghị thu hồi 46.595 tỷ đồng và trên 760 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 19.921 tỷ đồng, 1.039 ha đất;… chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, qua việc tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng (bằng số vụ và tăng 4,7% số đối tượng so với năm 2018); qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (giảm 28,3% số vụ). Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (giảm 61,7% số vụ). Cơ quan điều tra Công an đã thụ lý điều tra 420 vụ án, 876 bị can phạm tội về tham nhũng. Đáng chú ý, Viện Kiểm sát các cấp, cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc khởi tố mới 240 vụ/558 bị can về tội tham nhũng (tăng 9 vụ/112 bị can).
Chính phủ cũng khẳng định, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, MTTQ, cơ quan báo chí, nhân dân, công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN, giữ vững niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đều, vẫn còn một số địa phương ít phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra ở nhiều nơi chưa được ngăn chặn có hiệu quả, có vụ việc xảy ra ngay trong lực lượng chống tham nhũng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Công tác PCTN của một số bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng do các cơ quan này phát hiện, điều tra, truy tố chưa tương xứng với tình hình tham nhũng xảy ra trên thực tế và chưa tương xứng với việc được đầu tư, củng cố, tăng cường. Bên cạnh đó, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và các cơ quan bảo vệ pháp luật làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.