Chưa có cơ sở pháp luật để quản lý tiền công đức

Phạm Sỹ 28/06/2021 06:30

Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đang gây tranh cãi trong dư luận. Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, dự thảo Thông tư chưa có cơ sở vững chắc về luật pháp.

Trước đó, ngày 28/4/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 4269/BTC-HCSN về việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh… về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đơn vị chịu sự tác động trực tiếp nhưng lại không được lấy ý kiến.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến gửi về. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản góp ý về dự thảo”.

Cụ thể tại văn bản số 157/HĐTS-VP1 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quy định ở dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viện dẫn các điều khoản trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Bộ luật Dân sự năm 2015 để khẳng định tổ chức tôn giáo có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tặng cho và nó là tài sản của giáo hội và nhà tu hành là thành viên của giáo hội”. Giáo hội cũng dẫn điều 53 Hiến pháp năm 2013 để khẳng định tiền công đức không phải là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý…

Từ đó, Giáo hội cho rằng dự thảo Thông tư về quản lý thu chi tiền công đức “không hợp hiến, không hợp pháp, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, không tôn trọng niềm tin, giáo lý và lễ nghi tôn giáo, không bảo đảm quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo và nhà tu hành, không bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật và không khả thi trong thực tiễn”.

Luật sư Trương Anh Tú.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, Thông tư (dự thảo) là chưa có cơ sở vững chắc về luật pháp.

Luật sư Trương Anh Tú nhìn nhận: Theo quy định của nghị định về hướng dẫn các hoạt động lễ hội ở Việt Nam thì đối tượng áp dụng là những lễ hội mang tính truyền thống và tính dân gian cũng như các lễ hội về ngành nghề, một số lễ hội du nhập từ nước ngoài về. Tuy nhiên, những lễ hội mang tính tôn giáo thì chưa được định nghĩa và đưa vào phạm vi áp dụng về hoạt động lễ hội ở Việt Nam, hay nói cách khác là khái niệm và nội hàm cũng như phạm vi của hoạt động lễ hội thì không rõ về hoạt động lễ hội trong tôn giáo. Chính vì vậy, thông tư hướng dẫn về hoạt động thu chi tài trợ cho các hoạt động về lễ hội của tôn giáo, theo thông tư (dự thảo) là chưa có cơ sở vững chắc về pháp luật.

Đành rằng trong bối cảnh hiện nay, các hoạt động cung tiến, tài trợ, đóng góp cho các hoạt động lễ hội, đặc biệt là tại các cơ sở tôn giáo diễn ra với số lượng người, và số vật chất cung tiến là rất lớn. Tuy nhiên, quá trình sử dụng như thế nào, sử dụng vào mục đích gì, có tư lợi hay lợi ích nhóm hay không thì xã hội đang đặt ra một câu hỏi lớn cho các hoạt động tôn giáo.

Từ đó dẫn đến nhu cầu bức thiết, là cần kiểm soát các hoạt động này để đi vào trật tự, để đảm bảo là số tiền được sử dụng đúng mục đích của người cung tiến. Tuy nhiên, cơ chế kiểm soát thế nào, lại là một bài toán khó khăn cho những nhà quản lý văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài ra, luật sư Trương Anh Tú cho rằng: Tại dự thảo của Thông tư, cũng nêu ra rất rõ là số tiền công đức này hoặc các tiền tài trợ sẽ không được xác định vào các nguồn doanh thu của Nhà nước, và Nhà nước sẽ dành toàn bộ bộ cái này cho cơ sở tôn giáo chi vào các hoạt động tôn giáo của mình. Nên về bản chất là Nhà nước chỉ muốn minh bạch thông tin mà không có ý là can thiệp và các hoạt động lễ hội của tôn giáo.

Tuy nhiên, dự thảo của Thông tư cũng đã đưa ra những yêu cầu tương đối chặt chẽ. Chẳng hạn như phải nộp tiền vào tài khoản của ngân hàng, phải nộp tiền vào kho bạc để kiểm soát chi tiêu, phải báo cáo chi tiết các khoản chi phí… Điều này e rằng sẽ có một mặt gây khó khăn cho hoạt động lễ hội, vì tính chất lễ hội và tôn giáo đôi khi nó lại không phù hợp với cả khoản chi theo luật định của Bộ Tài chính, dẫn đến là khó được quyết toán số khoản chi thực tế.

Bên cạnh đó, theo luật sư Trương Anh Tú thì các hoạt động lễ hội trong tôn giáo, chúng ta cũng cần lưu ý đến đặc thù truyền thống lịch sử của tôn giáo, cũng như thông lệ quốc tế: Theo tôi được biết thì các khoản kinh phí của các tôn giáo được tiếp nhận từ các tín đồ ở trên thế giới thì hầu hết là Nhà nước không kiểm soát các khoản thu chi này, mà để các giáo hội tự quản. Cho nên, sẽ rất khó khăn cho các cơ quan nhà nước một mặt là vừa đảm bảo tính công khai minh bạch của các khoản chi tiêu lễ hội, một mặt lại thỏa mãn những cái đặc thù của tôn giáo trong tình huống này.

Dự thảo cũng giải quyết một vấn đề rất nhức nhối hiện nay, là những doanh nghiệp “sân sau” đứng ra xây dựng các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, sau đó họ đứng phía sau để quản lý tất cả các nguồn thu chi này, theo mô hình của một doanh nghiệp. Thì với thông tư này giải quyết được một phần các hoạt động thu chi của doanh nghiệp phía sau cơ sở tôn giáo trong hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, thì tổng thể các nguồn thu của các cơ sở tôn giáo mà có bóng dáng doanh nghiệp đứng phía sau, thì chưa giải quyết được trong thông tư này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa có cơ sở pháp luật để quản lý tiền công đức