Xung quanh chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo”, hiện có hai dòng ý kiến. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng đây đúng là chiếc ấn thời Trần nhưng phải cân nhắc thật kỹ việc khai ấn. Đồng thời có không ít quan điểm cho rằng cần phải giám định bằng kỹ thuật hiện đại và phải nghiên cứu nhiều hơn nữa, nhất là nghiên cứu liên ngành đề đưa ra những kết luận chính xác hơn, gần với những sự thật lịch sử về niên đại của chiếc ấn.
Trưng bày ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo" tại Hoàng thành Thăng Long.
Để có thêm căn cứ khoa học về ấn “Sắc mệnh chi bảo”, số báo này chúng tôi tiếp tục ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn.
PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm): Hiện vật cần được giám định bằng kỹ thuật hiện đại
Về hiện vật ấn “Sắc mệnh chi bảo” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đưa ra tiếc rằng không có ai được cầm lên để kiểm tra. Còn qua hình chiếu và so với hiện vật mang ra tôi thấy đó là 2 mảnh gỗ ghép vào nhau. Vấn đề hiện nay còn một yếu tố nữa mà chưa ai nói đến tức là 2 mảnh gỗ ghép với nhau như vậy thì 2 cái rìa đó có dấu hiệu của một miếng vỡ ra hay là dấu hiệu của 2 mảnh rời?
Bởi vì, nếu mà vỡ thì nhìn nét vỡ nó khác. Còn nếu là 2 mảnh rời sẽ có độ nhẵn và có sơn bên ngoài bao phủ. Nếu giải quyết rõ điều này vấn đề sẽ khác. Mảnh gỗ vỡ ra thì đó là một tấm liền. Song, nếu 2 mảnh đó rời riêng biệt thì đó không phải là ấn. Cho nên còn phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ xem cái này có phải là ấn hay không phải là ấn.
Điều này rất quan trọng trong việc gọi tên hiện vật và làm rõ chức năng của hiện vật. Còn về niên đại hiện vật khẳng định đây là di vật đời Trần thì đương nhiên các nhà khảo cổ học chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Họ có quyền xác định như vậy. Tuy nhiên, dưới góc độ khác thì những ngành nghiên cứu khác cũng có quyền phản biện, nhất là ở góc độ Hán Nôm, qua tự dạng chữ viết thì những người nghiên cứu Hán Nôm có quyền phản biện. Cần tiếp tục làm kỹ điều này.
Nếu là 2 mảnh rời thì không thể gọi là ấn được. Thậm chí còn đi đến một khả năng nữa, đây thậm chí là một cái khuôn ấn nếu là hai mảnh rời. Không bao giờ một cái ấn lại rời ra làm 2 mảnh. Còn về dấu son gắn chặt trên di vật chưa đủ chứng cứ để chứng minh đây là ấn đời Trần.
Tôi đặt ra một khả năng di vật thời Trần đó tồn tại đến thời Lê, sau đó mới bị sụp xuống thì nó có cả mảng di vật thời Trần lẫn di vật thời Lê thì làm sao mà anh xác định được? Một khả năng rất nhỏ như thế nhưng chúng ta cũng phải lường tới chứ không phải anh cứ đào lên được ở tầng văn hóa đời Trần mà anh khẳng định đó là di vật của đời Trần đâu.
Nhìn vào hiện tại thì không thể xác định được. Chúng ta bắt buộc phải đem đi giám định bằng phương pháp kỹ thuật hiện đại để làm rõ niên đại của di vật. Mảnh gỗ thì chưa chắc đã xác định được nhưng sơn, mực và các chất liệu khác thì có thể các nhà khoa học phân tích được. Việc tổ chức cuộc tọa đàm vừa rồi cho thấy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội rất cởi mở, cho nên trong tương lai nếu ai có nhu cầu nghiên cứu thì có lẽ họ cũng phục vụ để giải đáp đến cùng.
TS Trần Đức Anh Sơn: Chưa chắc đây đã là ấn thời Trần
Tôi không được sờ được vào hiện vật này, lại chưa nghe công bố kết quả giám định niên đại nên không biết Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội căn cứ vào đâu để xác định đó là cái ấn, có niên đại thời Trần. Nhưng căn cứ vào chữ viết từ bản chụp “cái ấn” đó, tôi thấy rất giống kiểu chữ trên ấn “Sắc mệnh chi bảo” thường đóng trên các sắc phong thời Nguyễn (1802 – 1945).
Còn chữ trên ấn thời Trần mà tôi đọc trong cuốn “Ấn chương Việt Nam” (NXB Khoa học Xã hội, 2005) của PGS.TS Nguyễn Công Việt thì nó rất khác kiểu chữ khác trên cái gọi là ấn này.
Tôi cũng chưa bao giờ thấy một cái ấn khắc xuôi, rồi khi đóng trên văn bản thì chữ trên ấn sẽ bị ngược. Nếu phỏng đoán của tôi về cái gọi là ấn này đúng là “hàng” thời Nguyễn, thì tôi nghĩ đó là bản khắc sao cái ấn bằng vàng trong Hoàng cung Huế, rồi người ta đưa ra trưng bày trong dinh của Tổng đốc Hà Nội, như là một thứ biểu tượng quyền lực trung ương để mọi người nhìn vào đó mà kính trọng. Thế thôi, chứ nó không phải là cái ấn.
Tôi nghiên cứu về ấn triện thời Nguyễn (1802 - 1945), hiện đang còn lưu trữ khá nhiều ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, và in trên những văn bản thời Nguyễn thì thấy rằng: từ vua, quan ở trung ương đến các chức dịch địa phương đều sử dụng ấn tín. Họ coi đó như là những vật biểu trưng quyền lực và biểu trưng pháp lý của nhà vua và chế độ. Tùy theo địa vị, cấp bậc của người sử dụng; tùy theo tính chất, chức năng của từng loại văn bản cần phải sử dụng ấn tín, triều đình nhà Nguyễn đã tạo tác, định danh và ban cấp nhiều loại ấn tín khác nhau, như: tỉ, ấn, quan phòng, đồ ký, kiềm ký, đồ chương, triện.
Triều Nguyễn, ấn “Sắc mệnh chi bảo” làm bằng vàng, triện làm bằng đồng. Còn các loại đồ ký, kiềm ký, đồ chương, triện… làm bằng gỗ thì có kích thước khiêm tốn, chưa hề thấy cái ấn nào bằng gỗ mà kích thước to như mảnh ván có khắc 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo” tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long (kích thước 11,5 x 11,5cm – PV).
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Lê Quốc Việt: Cần thêm cứ liệu chứng minh
Khi nghiên cứu về tính chất, hình thức, chế tác, ban phát và thờ tự các văn bản hành chính như sắc, chiếu, lệnh, chỉ triều Lê, sớm là sắc phong đền Quan Lang - Thái Bình (triều Lê sơ), sắc phong đình làng Tử Dương - Thường Tín (triều Mạc) cho tới hệ thống sắc phong thời Lê Trung hưng, tôi thấy “Sắc mệnh chi bảo” thường được đóng trên các sắc phong tặng dành cho âm thần (thần, thành hoàng).
Chuyện dùng ấn “Sắc mệnh chi bảo” đóng trên các văn bản phong tước cho bách quan, cũng không phải là ít - nhất là những gia đình có khoa hoạn (dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu chẳng hạn).
Do đặc tính thờ tự, sắc phong tặng dành cho âm thần có số lượng lên tới 90% so với sắc phong tước. Vì thế, tôi cũng không nghi ngờ ấn “Sắc mệnh chi bảo” được Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long dẫn lời một số nhà khoa học cho rằng đó là ấn của vua dùng để ban mệnh và ban chức tước, nhưng quan trọng là đối tượng được ban là ai và ban vào thời nào? Thời Trần đã dùng con dấu Quốc tỷ này hay chưa thì cần phải đợi cứ liệu thực chứng.
Con dấu “Sắc mệnh chi bảo” của Hoàng thành cơ hồ khá giống với dấu thời Lê, nhưng nét cong (tức phẩy và mác trong chữ “Thúc” thuộc chữ “Sắc” là viết hơi vát để lộ “tiêm phong” (Ngòi nhọn) - Phản ánh bút pháp rất không thống nhất. Tuy nhiên, con dấu “Sắc mệnh chi bảo” này được khắc xuôi, như thế đóng lên giấy chữ sẽ bị ngược. Chỗ này cần phải nghiên cứu xem xét lại liệu đó có phải là ấn hay không…