Đã thành thông lệ, trước khi bước vào một mùa lễ hội mới bao giờ UBND huyện Mỹ Đức- Hà Nội cũng tổ chức họp báo thông tin về tình hình quản lý và tổ chức lễ hội chùa Hương- một lễ hội có qui mô lớn và kéo dài nhất trong năm. Ngày 18/1 tại buổi họp báo trước Lễ hội chùa Hương, nhiều vấn đề “nóng” đã được đưa ra thảo luận. Dẫu vậy, những tồn đọng của mùa cũ có được giải quyết triệt để hay không, vẫn phải chờ cho đến khi hội chùa Hương chính thức vào mùa mới có thể kiểm chứng.
Lễ hội chùa Hương.
Năm nay lễ hội chùa Hương sẽ chính thức khai hội ngày 13/2 tức ngày 6 tháng Giêng năm Bính Thân, với chủ đề “Lễ hội kỷ cương – Văn minh du lịch”. Ông Nguyễn Chí Thanh - Trưởng BQL di tích, Phó trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2016 cho biết: địa phương sẽ huy động “tổng lực” các cán bộ, chiến sĩ của huyện Mỹ Đức, xã Hương Sơm tham gia vào các tiểu ban (văn hóa- xã hội, kinh tế- tài chính, quản lý di tích, vệ sinh môi trường…), trạm kiểm tra, tổ kiểm tra để tham gia phục vụ, bảo vệ an ninh, trật tự lễ hội.
Trước những băn khoăn về vấn đề an ninh trật tự, chèo kéo chặt chém khách đi đò, việc để quá nhiều hòm công đức, hoặc bày bán công khai thịt thú rừng… BTC cũng đã cho biết tại mùa lễ hội chùa Hương năm nay sẽ có những phương án khắc phục quyết liệt hơn.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh: Công an huyện Mỹ Đức phối hợp với các tổ công tác tổ chức phân luồng giao thông, có thể tạm dừng vận chuyển khách bằng cáp treo trong những ngày đông khách. Cụ thể tuyến đường từ nhà điều hành bến Yến đi đền Trình Ngũ Nhạc, cấm ô tô, xe máy lưu thông; cấm xe công nông, xe lam hoạt động trên các tuyến đường bộ, xuồng, đò có máy động cơ không có giấy phép không được hoạt động trên các tuyến suối.
Về tình trạng “xe ôm” đeo bám khách trên các tuyến đường, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương năm 2016 thừa nhận, những năm trước, mặc dù đã có sự vào cuộc của lực lượng Công an, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để. Năm nay, Công an huyện sẽ phối hợp với lực lượng BTC kiểm tra, quản lý chặt chẽ vé thắng cảnh, xử lý nghiêm những trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn lậu vé.
Giải đáp về việc có tình trạng khách đi đò bị xin thêm tiền hay không, ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định: Khách đi chùa Hương thường là đi tour, có lịch trình sẵn nên sẽ không xảy ra hiện tượng này. Tuy nhiên, ông Hậu cho biết, hiện các đò ở khu vực chùa Hương, đò nhỏ nhất chở 6 người, nhưng du khách có những người đi ít hơn 2 người, 3 người thì “nên” có phụ phí tải thêm.
Trong dịp lễ hội, sẽ có khoảng gần 4.400 phương tiện đò được đưa vào phục vụ du khách. Cùng với đó là 11 ca nô của BTC được phép hoạt động trong khu vực suối Yến. Theo ông Hậu, BTC đã cho dựng gần 30 biển báo thông báo rõ ràng giá vé thắng cảnh, giá vé đò… cho du khách. Trong đó, giá vé đò là 35.000 đồng/người, giá vé thắng cảnh là 50.000 đồng/người, giá vé cáp treo khứ hồi là 140.000 đồng/người.
Ngoài ra, trước băn khoăn từ dư luận rằng số tiền 700 tỉ tiền giọt dầu thu được năm qua sẽ sử dụng vào mục đích gì? Ông Hậu cũng khẳng định là thông tin này là hoàn toàn không chính xác. Với số lượng khách trong mùa lễ hội năm 2015 là 1,4 triệu khách, BTC chỉ thu lại từ nguồn bán vé là 49.000 đồng/du khách. Số tiền này bên cạnh việc trả lương cho hơn 400 nhân viên của khu di tích, còn lại sẽ được phục vụ vào công tác trùng tu, sửa chữa đang công trình hư hỏng, xuống cấp. Còn về việc thông tin đường dây nóng phục vụ lễ hội, nhưng phản hồi nguội hoặc không có phản hồi? Ông Hậu cho hay năm nay đường dây nóng sẽ chính thức hoạt động từ mùng 2 Tết Nguyên đán.
Cũng theo BTC lễ hội chùa Hương 2016, điểm mới của lễ hội năm nay đó là sẽ có một tuyến xe buýt được trợ giá đi chùa Hương. Ngoài ra, BTC cũng bố trí phủ sóng wifi miễn phí cho du khách trong dịp lễ hội.
Về công trình lạ có tên “Hương Nghiêm pháp đường” được xây dựng trong khuôn viên di tích chùa Hương, ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định đây là nhà trọ của Công ty du lịch Hà Tây và công ty thắng cảnh Hương Sơn trước năm 2000. Công trình sau đó xuống cấp và năm 2011 được kiến nghị tu sửa thành khu vực nhà khách – nơi nghỉ ngơi cho các vị sư, tăng ni… Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, trước những quan tâm của báo giới về hướng xử lý cụ thể đối với công trình này trong thời gian tới, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức không đưa ra hướng xử lý đối với công trình trái phép nói trên. Về những hiện vật lạ bị cho là xa rời kiến trúc truyền thống tại công trình này, ông Hậu cho biết trước Tết, sẽ có phương án chỉnh sửa một số linh vật.