Chùa Hương, phố đi bộ mở cửa trở lại

Khánh Ly 08/03/2021 20:12

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của UBND TP Hà Nội chiều nay 8/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng giao cho các quận huyện căn cứ vào tình hình dịch bệnh để chủ động đề xuất việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để phát triển kinh tế.

Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngày 9/3, Hà Nội sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại bệnh viện Thanh Nhàn. Vaccine tiêm trong đợt đầu này là của Tập đoàn AstraZeneca - một trong 3 loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận và đã được sử dụng trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vaccine sẽ được tiêm cho người trên 18 tuổi, 2 mũi, mỗi mũi cách nhau là 12 tuần.

“Vaccine phòng Covid-19 cũng giống như các loại vaccine phòng bệnh khác, có những triệu chứng phản ứng phụ không mong muốn khi tiêm như sốt, đau đầu, buồn nôn… nên người dân hoàn toàn yên tâm khi gặp phải các trường hợp này sau khi tiêm chủng", Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Ngành Y tế đã xây dựng sổ theo dõi sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân có thể tự theo dõi tình hình sức khỏe sau tiêm cũng như phản hồi về phản ứng sau tiêm với các cán bộ y tế, cơ sở y tế. Song, lãnh đạo Sở Y tế khẳng định: “Vaccine là biện pháp phòng bệnh nhưng không phải biện pháp duy nhất, nên ở thời điểm này, chỉ dựa vào vắc xin là chưa đủ, do đó, người dân không thể chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch”.

Về vấn đề này, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc xác định người tiêm vắc xin theo từng đợt phải đảm bảo công bằng, đúng người, đúng đối tượng. Còn công tác tiêm chủng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại phiên họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP đã trải qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, với đặc điểm của Hà Nội, ngành y tế dự báo nguy cơ xuất hiện ca Covid-19 vẫn ở mức cao.

Liên quan đến việc nới lỏng các giải pháp chống dịch, ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, đơn vị này dự kiến cho di tích chùa Hương mở cửa đón khách tham qua từ ngày 13/3 (thứ 7 tuần tới). "Khi chùa Hương mở cửa trở lại, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho du khách phải đặt lên hàng đầu", ông Đặng Văn Cảnh nói.

Cụ thể, UBND huyện Mỹ Đức đã bố trí các phòng cách ly, khai báo y tế cho du khách vào tham quan chùa Hương. Huyện Mỹ Đức cũng yêu cầu các đơn vị liên quan giảm số lượng đò ra vào chùa Hương. Nơi thờ tự trong chùa cũng rút ngắn thời gian và yêu cầu giữ khoảng cách đối với du khách ra vào…

Đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, đơn vị này cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện trong công tác phòng chống dịch, sẵn sàng khi thành phố cho các di tích mở cửa trở lại. Theo đó, Quận sẽ tổ chức lại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm từ ngày 12/3 (thứ 6 tuần này).

Trao đổi với các quận huyện về vấn đề trên, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP và các sở ngành đã thống nhất cho mở cửa trở lại các di tích từ ngày 8/3. Tuy nhiên, các quận huyện cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế trong công tác phòng chống dịch bệnh để cho phép các di tích hoạt động trở lại. Đối với chùa Hương, theo ông Dũng, nếu huyện đã chuẩn bị kỹ lưỡng công tác phòng chống dịch thì có thể mở cửa sớm hơn để kéo giãn lượng du khách.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng giao cho các quận huyện căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên cả nước cũng như thành phố chủ động đề xuất việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để phát triển kinh tế, cũng như triển khai hiệu quả các hoạt động trở lại bình thường đối với từng đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa Hương, phố đi bộ mở cửa trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO