Là nơi thờ Phật sùng đạo, nhưng chùa Nhẫm Dương lại sâu nặng việc đời. Đây là một địa danh không chỉ có giá trị về văn hóa, đa dạng sinh học, khảo cổ học… mà có giá trị về mặt quân sự, trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, từ ngàn năm xưa đến thời nay, được vinh danh “Khu di tích quốc gia đặc biệt” của đất nước.
Ngôi chùa huyền thoại có vật báu về khảo cổ
Ngôi chùa có từ thời Trần, tên chữ là Thánh Quang Tự , tọa lạc dưới chân núi Nhẫm Dương (thôn Nhẫm Dương, nay thuộc phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).
Văn bia từ xưa còn ghi đích thân vua Trần xuống chiếu cho xây dựng. Trong chùa từng có tòa cửu phẩm liên hoa, có khánh đá, chuông đồng... Ban đầu chùa được dựng trên một gò đất cao, xung quanh toàn đầm lầy và cây dại. Muốn lên chùa, phải dùng thuyền nhỏ chèo vào. Con sông Đá Vách chảy sát chùa, rồi thế gian biến cải, nước chảy đá mòn, dòng sông bị đẩy lùi ra xa, quang cảnh hoang sơ...
Lưu Vũ Tích, nhà thơ thời trung Đường (Trung Hoa), trong bài “Lậu thất minh” nói về “căn nhà quê mùa”, có câu” Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh, thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh…” (nghĩa rằng: Núi không kể cao thấp, nếu tiên ở là nổi tiếng. Nước chẳng cần nông sâu, có rồng ẩn ắt nước thiêng”.
Núi Nhẫm Dương không cao, nhưng đây là nơi Hóa thánh “Thánh Quang tự” và gắn liền với cuộc đời vị Đệ nhất Tổ sư phái Tào Động là Thủy Nguyệt. Ngài họ Đặng, quê ở huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam, sinh năm Đinh Sửu (1637) dưới thời vua Lê Thần Tông. Sau 6 năm xuất gia học đạo, ngài tiếp tục chu du thập phương, sang Trung Hoa, rồi trở về nước giáo hóa muôn dân và phát triển đạo pháp.
Sử sách kể rằng: Một hôm ngài dặn môn đồ là có việc lên núi Nhẫm Dương. Nếu sau 7 ngày không thấy về, hãy tới nơi có mùi thơm mà tìm.
Quả nhiên, các môn đồ lần theo mùi hương tìm tới hang đá phía sau chùa Nhẫm Dương. Người ta ngạc nhiên thấy ngài ngồi trên một tảng đá, xung quanh ngạt ngào hương thơm thảo mộc. Bấy giờ là năm Chính Hòa, niên hiệu Hy Tông (thời Lê Trung hưng - 1704). Và cũng từ sau đó hang có tên hang “Thánh Hóa”.
Ngày hóa của ngài sau đấy trở thành khởi nguyên Lễ hội chùa Nhẫm Dương, diễn ra hằng năm từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng Ba (âm lịch).
Vào chùa Nhẫm Dương, khách cảm giác như thấy một thoáng Hạ Long. Bởi xung quanh chùa là hệ thống hang động, còn hoang sơ, cổ kính. Ở đây vẫn còn những tên gọi: hang Gió, hang Tối, hang Dơi, hang Mạt, hang Ma, hang Trâu, Thung Xanh, Thung Thóc, hang Bò Nê... nghe hoang dã. Vào hang Tĩnh Niệm, như có cảm giác đang bước vào động Thiên Cung ở Hạ Long. Nhiệt độ chênh lệch giữa trong và ngoài hang rất rõ rệt. Giọt nước từ trần hang rơi thủng thẳng, gõ vào không gian, gợi về thời gian hàng triệu năm trước. Người dân ở đây kể rằng, theo đường mòn sau chùa là sang hang Tối. Cửa hang hẹp, nhưng đi vào sâu hang càng rộng và có nhiều thạch nhũ, với những hình hài tự nhiên, kỳ dị, lại giống chiếc ngai của vị thần tiên .
Thật hiếm hoi, cạnh sân chùa vẫn còn cây thị cổ thụ, số tuổi hàng bẩy tám trăm năm.
Càng thú vị hơn, gần đây, trong khi sửa hang Thánh Hóa, người dân đã tìm thấy hiện vật cổ vào loại quý hiếm: Đó là tượng phật có niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX) chất liệu đá. Bảo tàng Hải Dương đã lập đoàn thám sát, nghiên cứu, và nhận định ban đầu: Hang Thánh Hóa có dấu vết từ thời tiền sử, là di tích khảo cổ học quan trọng của cả nước. Các nhà chuyên môn còn tìm được di cốt hóa thạch của gần 30 loài động vật như: Voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím... và đặc biệt tìm thấy khá nhiều răng pôngô (đười ươi), những hóa thạch và di vật có từ 3 đến 5 vạn năm.
Ở Hang Tối, đã phát hiện ra một số hiện vật rìu và giáo đồng, thạp đồng, lưỡi xéo đồng, thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Pho sử chưa có trong sách giáo khoa
Chùa Nhẫm Dương có một hệ thống hang động bao quanh, với địa hình núi non sông nước vô cùng hiểm trở. Cũng vì thế mà trở thành căn cứ quân sự từ thời kỳ chiến tranh chống Nguyên - Mông. Đức vua Trần Nhân Tông, đã lập chiến tuyến ở động Kính Chủ gần đó để chống giặc
Nhiều sử sách còn lưu lại, khi giặc phương Bắc sang chiếm nước ta, để đàn áp phong trào nổi dậy, chúng dồn dân vào hang sâu, dùng rơm hun chết rất nhiều người, nhưng vẫn không đè bẹp ý chí căm thù đánh giặc ngoại xâm. Chiếc hang ấy về sau được gọi tên hang Ma.
Đặc biệt chùa Nhẫm Dương đã trở thành căn cứ quan trọng trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Từ tiền khởi nghĩa, vào năm 1943-1944 những ủy viên xứ ủy Bắc kỳ đã về đây hoạt động, tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng Đệ tứ chiến khu Đông Triều. Thời kháng chiến chống Pháp, núi Nhẫm Dương là mục tiêu vùng trắng của địch, là nơi đóng quân của bộ đội và nơi cất giấu vũ khí, quân lương, đạn dược. Đây là sở Chỉ huy của Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Kinh Môn. Tại Thung Xanh có lần giặc Pháp đã huy động 2.000 quân bao vây, hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Chính trên vùng đất này đã có những trận đánh đồn Hạ Chiểu, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Cũng năm 1951 giặc Pháp ném bom khu vực chùa, làm chết 70 dân thường và nhiều bộ đội hy sinh. Để an toàn bí mật, chùa phải tiêu thổ kháng chiến…
Chùa Nhẫm Dương đã cùng quê hương đánh giặc. Có những tên đất, tên hang động, gắn liền với chiến công chung…
Bệnh viện Quân y 7 - Quân khu Ba đã sơ tán về 2 xã Duy Tân và Phú Thứ. Các hang động Thánh Hóa, Tĩnh Niệm, Bò Nê, hang Mạt… làm nơi phẫu thuật, điều trị cho hàng nghìn thương binh. Họ được bác sĩ, y tá, các tăng ni chùa chăm sóc. Giặc Mỹ đem máy bay đánh bom làm sập cửa động, đã có những chiến sĩ anh dũng hy sinh. Bây giờ, vào ngày giỗ hoặc ngày Thương binh liệt sĩ, thân nhân của các liệt sĩ vẫn về đây thắp hương tưởng niệm.
Năm 2019, ở tỉnh Hải Dương có một Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị đa dạng sinh học và lịch sử văn hóa Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương”. Sư thầy Thích Diệu Mơ, người trụ trì ngôi chùa đã kể một câu chuyện xúc động: Từ thời chống Pháp, vị sư tổ Hải Phong, người trụ trì chùa này từng được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Nhà sư bị giặc bắt, đưa đi tù khổ sai và bị giam giữ ở trại giam Đông Triều. Một lần, trong khi đi lao động cùng với mấy người tù, nhà sư đã tìm cách bỏ trốn. Bọn giặc đuổi theo bắn nhà sư bị thương nặng, đã hy sinh. Năm 2016 các đệ tử, con cháu sơn môn Tổ Đình Thánh Quang đã tổ chức cung nghinh xá lợi của Sư tổ về chùa Nhẫm Dương…
Chùa Nhẫm Dương thần bí và huyền thoại, chuyên tâm tải đạo nhưng thấm đẫm tình đời…