Chưa thoát khỏi ‘ao làng’?

Đặng Xá 01/08/2021 14:09

Thành công trong giai đoạn 2013 - 2017 của đội tuyển (ĐT) Thái Lan và 2018 - 2021 của ĐT Việt Nam khiến người hâm mộ Đông Nam Á khấp khởi về sự vươn tầm châu Á của hai đội tuyển lớn này. Thế nhưng cho đến hiện tại, họ thực tế vẫn còn quanh quẩn giữa đẳng cấp khu vực và châu lục.

1. ĐT Việt Nam thực sự đã gây tiếng vang lớn dưới thời HLV Park Hang Seo. Một mặt, chức vô địch AFF Cup 2018 và SEA Games 2019 giúp cho Việt Nam lấy được vị thế số 1 Đông Nam Á từ tay Thái Lan. Mặt khác, ngôi Á quân U23 châu Á 2018, top 4 ASIAD 2018, tứ kết Asian Cup 2019 và việc vào vòng 12 đội mạnh nhất châu Á ở vòng loại World Cup 2022 như một sự khẳng định về sự tiến bộ trong trình độ của ĐT Việt Nam, so với mặt bằng của bóng đá châu Á.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa, ĐT Việt Nam đã ở một trình độ quá ghê gớm của châu lục. Thất bại 2-3 trước ĐT UAE ở lượt cuối vòng loại World Cup 2022 là một “cú tát” đau điếng vào những tư tưởng còn mơ mộng về sức mạnh của ĐT Việt Nam. Không phủ nhận Việt Nam đã mạnh hơn. Nhưng đó chỉ là sự tiến bộ so với chính Việt Nam của giai đoạn trước cũng như có những bước đi triển vọng trên bình diện châu Á.

Để cho rằng Việt Nam đã đến trình độ của top 10 châu Á thì lại là một quan điểm còn xa vời. HLV Park Hang Seo cũng khẳng định rằng các đối thủ của ĐT Việt Nam ở vòng loại thứ 3 đều mạnh hơn đoàn quân của ông. Việc giành được một vài điểm số cũng có thể xem là thành tích đáng khen ngợi. Giấc mơ chung mâm với các đại gia châu Á xem chừng chưa thể hiện thực trong một sớm một chiều với ĐT Việt Nam.

Một điểm nữa cần phải khẳng định: Thành tích của ĐTQG Việt Nam không bao hàm với thành công của cả nền bóng đá Việt Nam. V.League, giải bóng đá chuyên nghiệp số 1 của bóng đá Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều điểm bất cập trong cách điều hành. Các CLB còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế nhà nước. Tiền bản quyền truyền hình vẫn còn là một khái niệm quá xa vời với những CLB chuyên nghiệp Việt Nam. V.League vẫn giậm chân tại chỗ, trong bối cảnh các giải bóng đá ngay trong khu vực đã có nhiều sự tiến bộ.

2. Đỉnh điểm của tư duy “ao làng” nơi bóng đá Việt Nam hiện diện trong cuộc tranh cãi mới đây. Dịch Covid-19 đẩy thời gian tổ chức V.League rơi vào eo hẹp. Khả năng tổ chức giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam chắc chắn không thể diễn ra trong tháng 8 tới. Với tháng 9, 10 và 11, ĐT Việt Nam phải thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup và thực hiện cách ly theo mô hình bong bóng khép kín.

Vì vậy, nếu muốn giải đấu có thể diễn ra, hoặc các CLB đấu tranh để thi đấu song song với AFF Cup. Hoặc họ chấp nhận phương án tổ chức V.League vào năm sau như phương án đặt ra từ VPF. Nhiều CLB đương nhiên không đồng ý tổ chức vào năm sau. Nhưng họ cũng chẳng dám đứng lên bày tỏ quan điểm rằng giải đấu cần phải tổ chức ở AFF Cup, một giải đấu vốn dĩ không thuộc FIFA Days. Những phương án mà nhiều CLB “dám” nghĩ đến chỉ là huỷ giải, quan điểm thậm chí còn khiến bóng đá Việt Nam tụt hậu hơn nữa.

Căn bệnh thành tích ở cấp độ ĐTQG đẩy VPF vào áp lực không dám nghĩ đến phương án tổ chức V.League song song với AFF Cup - một giải đấu đúng nghĩa là sân chơi của “ao làng” Đông Nam Á là một nhẽ. Nhưng việc đa phần các CLB cũng chẳng có sự phản kháng gì hay có bất cứ ý thức vận hành bóng đá chuyên nghiệp thì thật sự phải ngẫm ngợi. Đáng nói hơn, những CLB lớn tiếng trên báo giới (Đà Nẵng, Nghệ An, Nam Định, Sài Gòn, Bình Dương) vốn dĩ không có nhiều quân đóng góp trên ĐTQG như HAGL, Viettel hay Hà Nội FC. Nhưng họ cũng chẳng bày tỏ được một quan điểm đanh thép cho quyền lợi của chính mình.

Một số cổ động viên có thể đang cười Thái Lan về thành tích tệ hại suốt 4 năm qua của U23 và ĐTQG nước này. Nhưng họ chí ít có một tư tưởng chuyên nghiệp hơn trong việc xây dựng hệ thống các giải đấu để tạo nên nền móng vững chắc cho mình. Còn với Việt Nam, suy cho cùng, chúng ta vẫn cứ xây dựng bóng đá từ nóc, với thành tích của ĐTQG mới là điều tối thượng. Ngay cả khi nó ảnh hưởng trực diện đến nền bóng đá chuyên nghiệp của các CLB Việt Nam.

Ngoài ra, tư duy “ao làng” hiện diện ngay trong suy nghĩ của người hâm mộ, chứ chưa nói đến các CLB, VPF hay VFF…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa thoát khỏi ‘ao làng’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO