Hệ thống văn bằng giáo dục đại học (GDĐH) là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Nghị định 99 quy định đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu theo đặc thù của từng lĩnh vực nghề nghiệp.
Ảnh minh họa.
Quy định “cứng”
Nghị định 99 đã quy định hệ thống văn bằng GDĐH (bằng Cử nhân, bằng Thạc sĩ, bằng Tiến sĩ) và văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù. Theo đó, căn cứ vào khối lượng học tập của chương trình đào tạo, bằng kĩ sư tương đương trình độ bậc 7 - trình độ của người có bằng thạc sĩ. Trong khi đó, quy chế đào tạo thạc sĩ hiện hành yêu cầu người đầu vào đào tạo thạc sĩ phải tốt nghiệp ĐH. Hai quy định này đang có sự vênh nhau. Đại diện Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ lấy ý kiến thực hiện sửa đổi quy chế tuyển sinh cả 3 trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ nhằm khắc phục những điểm “vênh” trong các quy chế với luật Giáo dục ĐH bổ sung, sửa đổi.
Chia sẻ thêm, TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, Nghị định 99 nhằm chuẩn hóa thêm một bước các văn bằng đã có. Trước đây kĩ sư, bác sĩ, cử nhân được xếp trong một mặt bằng của bằng tốt nghiệp ĐH. Khi chưa có quy định này, người ta hình dung tất cả trên một mặt bằng thì sẽ bất lợi cho những người đã tích lũy được nhiều hơn nhưng không được thừa nhận ở mức cao hơn. Còn bây giờ, phân ra thành khung bậc 6, bậc 7… có bằng cử nhân, thạc sĩ và các văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù để công nhận các giá trị tích luỹ chi tiết hơn.
Vì vậy, nếu nói tất cả các bằng kĩ sư, bác sĩ tương đương với thạc sĩ không hẳn đã chính xác. Bởi nguyên tắc xác định tương đương đã có quy định ở tại Khoản 2, Điều 14. Vì vậy, xác định văn bằng nào nằm ở bậc 6 hay bậc 7, thì phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn được quy định nêu trên chứ không chỉ dựa vào khối lượng học tập, không quy đơn giản tính từ số tín chỉ hay số năm học ra trình độ được đào tạo.
Trong năm 2020, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định chuẩn chương trình của các trình độ GDĐH.
Chuẩn chương trình này là chuẩn đầu vào, chuẩn khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác nữa như chuẩn về phát triển chương trình, kiểm tra đánh giá…
“Mỗi trình độ đều có chuẩn riêng, những chuẩn này không phải đợi đến khi ban hành thông tư mới có mà thực tế, các chuẩn cơ bản đã có rồi nhưng chưa được tập hợp đầy đủ trong một văn bản” - TS Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
Ví dụ chuẩn đầu vào, chuẩn khổi lượng học tập, chuẩn đầu ra đã có trong Khung trình độ quốc gia, chuẩn giảng viên có trong Luật GDĐH... Khi Bộ GDĐT ban hành Thông tư này sẽ quy định cụ thể, chi tiết hơn và phải phù hợp với các văn bản có hiệu lực cao hơn nêu trên.
Chủ động đổi mới hội nhập quốc tế
Dù chưa có quy chế đào tạo mới nhưng đến thời điểm này, các trường ĐH đào tạo kỹ sư đều có dự kiến điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo tối thiểu 150 tín chỉ theo luật mới.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, các ngành đào tạo kĩ sư của trường hiện trên 130 tín chỉ. Trước đó, chương trình đào tạo các ngành này vốn có 150 tín chỉ nên sắp tới sẽ điều chỉnh tăng lại thời lượng chương trình. Tuy nhiên, theo ông Dũng, dù tăng thời lượng tín chỉ nhưng có thể trường vẫn duy trì thời gian đào tạo 4 năm như hiện nay…
GS.TS Trần Thiên Phúc- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM thắc mắc về việc người được cấp bằng kĩ sư liệu có được cơ quan quản lý công nhận cao hơn các văn bằng ĐH khác và được xếp lương cao hơn hay không? Liệu người có bằng kỹ sư có thể tham gia vào đào tạo trình độ cử nhân hay không?
Trả lời vấn đề này, TS Phụng cho rằng bác sĩ, kĩ sư, dược sĩ, kiến trúc sư… có được coi là tương đương thạc sĩ hay không phải căn cứ vào thực tế chương trình đào tạo chuyên sâu và chuẩn chương trình của trình độ thạc sĩ. Vì vậy, theo Nghị định 99, bằng bác sĩ, kĩ sư theo đúng chuẩn này sẽ được công nhận ở mức cao hơn bằng cử nhân; nếu đạt chuẩn bậc 7 thì sẽ được công nhận tương đương thạc sĩ.
Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, trước kia trong luật cũ, bằng kỹ sư là bằng tốt nghiệp ĐH. Có nhiều trường đào tạo 4 - 4,5 năm, trong khi rất nhiều trường kĩ thuật có truyền thống đào tạo 5 năm. Vì vậy, khi đưa vào xác định kĩ sư là bằng sau cử nhân hay trên cử nhân là khó khăn rất lớn. Đây cũng là thực tế các trường kĩ thuật cần phải lưu ý bởi nếu không đảm bảo tốt, chương trình không phù hợp có thể sẽ làm mất đi uy tín của chương trình kĩ sư. Như vậy, tương lai sẽ rất khó được quốc tế công nhận.