Ban quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) đang tiến hành chuẩn bị trồng mới một loạt cây Xích Tùng non, thay thế cho những Xích Tùng cổ trên 700 tuổi đã chết trước đó do lâu đời và bị sâu bệnh, thời tiết tấn công.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết: Hiện nay, tại Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử có khoảng 332 cây Xích Tùng có tuổi đời từ 200-700 tuổi, trong đó có rất nhiều cây đã bị chết do “lâm bệnh” nặng, lại bị sâu bọ, thời tiết tấn công.
“Các nhân viên của ban đang đào hố, chuẩn bị phân, thuốc và trong tuần tới chúng tôi sẽ cho trồng trước khoảng 50 cây, mỗi cây cao từ 1,2-1,5 m, tại đúng vị trí những cây Xích Tùng cổ đã chết dọc đường Tùng hoặc ở vị trí bên cạnh những cây đó” - ông Dũng nói.
Trước đó, đã từng có dự án “khám-chữa bệnh” cho các “cụ Xích Tùng”, nhưng rồi dự án bị đưa vào diện cắt giảm do khó khăn về vốn. Từ đó đến nay, nhiều cây Xích Tùng cổ cứ thế lần lượt "ra đi".
Được biết, cây giống Xích Tùng chuẩn bị được trồng thay thế trên Yên Tử là do ông Phạm Văn Sự - một cựu nhân viên của Ban quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm. Đây cũng là người duy nhất cho đến hiện nay nhân giống được loại cây này, ban đầu là bằng hạt, sau đó bằng cành.
Hiện, tại vườn nhà ông ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh còn khoảng 350 cây nhân giống bằng hạt thu gom trên Yên Tử, trong đó 300 cây 6-8 tuổi; cây từ năm 2003 còn khoảng 46 cây, cao từ 4-5m. Loại nhân giống từ cành, 1-2 tuổi, thì có khoảng 1.600 cây.
Để “khám, chữa bệnh” cho rừng Xích Tùng đặc biệt quý hiếm này, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định đầu tư mời các chuyên gia lâm nghiệp hàng đầu Việt Nam về Yên Tử để nghiên cứu, tìm giải pháp.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban quản lý Khu di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết thêm, sau giai đoạn cắt tỉa cành, phun thuốc khử trùng, hiện các chuyên gia đang tiếp tục xử lý phần gốc gốc và bón phân. Thời gian tới, cây nào có dấu hiệu ngả nghiêng sẽ xây kè và dựng giá chống đỡ.