Chung góp niềm vui

Kiên Long 14/01/2016 09:05

Thời điểm này, mọi người đã chuẩn bị đón mùa Xuân mới. Ai cũng mong đón cái Tết cổ truyền vui vẻ, đầm ấm. Cũng vào dịp này, với tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống lá lành đùm lá rách, cả xã hội lại hướng về những gia đình chính sách, người có công, những người nghèo, người yếu thế, để cùng họ góp thêm niềm vui đón Xuân. 

Chung góp niềm vui

Mùa xuân vùng cao.

Năm 2015, là năm kinh tế nước nhà khởi sắc. Con số tăng trưởng 6,68 %, cao nhất kể từ năm 2010 đến nay, cũng như dự báo con số tăng trưởng năm 2016 sẽ cao hơn đã là những dấu hiệu đáng mừng.Thu nhập, thưởng Tết cho người lao động cũng đã nói lên những kết quả thực của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xã hội sau một năm, báo hiệu những dự đoán cho tương lai năm mới. Dù sao, chỉ nhìn vào cái thực tế tăng trưởng trên từng lĩnh vực, phân chia, lương thưởng của mỗi ngành, mỗi cấp đã cho thấy sự chênh lệch về thu nhập, về sự giàu nghèo, ai phát triển, ai khó khăn. Và rồi con số thu nhập, thưởng cao năm nay cũng vẫn chênh lệch, nơi hàng trăm triệu, chỗ mấy trăm, thậm chí bằng sản phẩm làm ra.

Lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp và thủy sản năm qua có tăng nhưng giá trị lại thấp hơn năm trước. Không ít nông dân điêu đứng vì hạn hán, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng do được mùa rớt giá. Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng năm nay tăng so với năm trước, báo hiệu đời sống công nhân, người lao động có khá hơn. Tuy nhiên so với cái con số thưởng hàng trăm triệu, hàng tỉ ở các doanh nghiệp có tiếng, thì với người lao động bình thường, các công nhân, nông dân mãi vẫn như một giấc mơ xa vời.

Kinh tế xã hội ổn định, có phát triển đáng kể, nhưng với người nghèo thì vẫn còn nghèo. Mức tiêu dùng cuối năm có nhích tăng 0,12% so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng chủ yếu tập trung vào các đối tượng có tiền. Với người nghèo thì vẫn phải ăn tiêu dè sẻn lắm mới đủ sống. Nhiều người lao động thu nhập còn chưa đủ ở mức sống tối thiểu. Ngay cả những người về hưu, có lương hưu, mức sống không ít người ở dưới mức chuẩn nghèo. Và rồi, không ít gia đình, nhất là các gia đình công nhân, Tết chưa đến, nhưng họ đã có chung nhiều nỗi lo.

Chăm lo cho người có công, người nghèo, người yếu thế là trách nhiệm của xã hội nói chung, các cơ quan có trách nhiệm nói riêng. Chuẩn bị cho năm mới, đón xuân, từ Chính phủ cho đến các bộ, ban ngành, các địa phương đều đã có các văn bản chỉ đạo, thực hiện chăm lo cho người dân. Ngay từ 18/11/2015, UBND TP HCM đã có chỉ thị về tổ chức đón mừng Năm mới và Tết Bính Thân năm 2016 với mục tiêu: “Tết đến với mọi người, mọi nhà”. Từ triển khai kế hoạch sản xuất, an ninh trật tự cho đến kế hoạch tổ chức thăm hỏi, tri ân, tặng quà các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo cho công nhân, người lao động, sinh viên không có điều kiện về quê vui Tết...

Thành phố lớn nhất nước này cũng là nơi tập trung đông công nhân, người nghèo, hưu trí, học sinh, sinh viên, lao động di cư nghèo. Như thông lệ, các cấp, ngành, nhiều chủ nhà trọ đều đã có kế hoạch tổ chức giúp đỡ những người nghèo. Từ việc tặng vé về quê cho đến động viên, hỗ trợ người ở lại trong không khí gia đình. Nhiều chủ nhà trọ đã dành riêng khoản tiền thuê nhà cuối năm mua quà, hay tổ chức Tết cho công nhân, học sinh...Hệ thống Công đoàn TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch hỗ trợ cho khoảng 395.000 đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức 500.000 đồng/trường hợp.

Công đoàn các khu chế xuất- khu công nghiệp cũng dự kiến tặng 6.000 vé xe cho công nhân khó khăn về quê, 2.000 suất quà cho công nhân mất việc làm. Chương trình “Tấm vé nghĩa tình” cũng phấn đấu trao tặng 32.000 vé xe cho công nhân về quê đón tết.Chương trình “Chuyến xe thanh niên” của Thành đoàn TP HCM cũng dự kiến tặng 1.000 vé xe cho công nhân về quê đón Tết.v.v..

Cũng như TP HCM, khắp nơi trong cả nước đều đang tất bật không khí chuẩn bị cho xuân mới, hỗ trợ người nghèo, không để bất cứ ai không có Tết. TP Hà Nội cũng đã dự kiến tặng quà cho 806.790 người thuộc các đối tượng hưởng chính sách, người nghèo với số tiền hơn 280 tỉ đồng. Bộ LĐTB&XH đã đề nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng quà dịp Tết Bính Thân cho người có công tổng kinh phí 300 tỉ đồng, với mức 400 ngàn đồng, 200 ngàn đồng/người. Gạo cũng đã được chuẩn bị để hỗ trợ những người dân có nguy cơ thiếu đói trong dịp tết ở các tỉnh như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Trị...

Quà tết ở nhiều nơi, nhiều đơn vị đang chuẩn bị để gửi đến các chiến sĩ ngoài đảo xa. Các cấp Mặt trận từ Trung ương, địa phương cho đến các Ban công tác Mặt trận ở mọi nơi đều đã có kế hoạch, dự kiến chăm lo Tết cho người dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, các dân tộc thiếu số hãy đang còn trong cảnh đói nghèo.

Tình thương, tình yêu, tình đoàn kết của đồng loại, đồng bào, họ hàng, đồng nghiệp, đồng chí... càng được khơi dậy, nhân lên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tinh thần lá lành đùm lá rách, san sẻ yêu thương, chung tay góp niềm vui, càng được phát huy, mở rộng những ngày này.Về vật chất sẽ chẳng thấm là bao so với những khó khăn, vất vả của đồng bào, nhưng đó là những ngọn lửa tinh thần sưởi ấm họ, giúp họ có niềm tin yêu vào đồng loại, xã hội; chiến thắng mặc cảm, cái ác, vượt qua khó khăn,...

Xã hội phát triển, sự phân hóa giàu nghèo sẽ là tất yếu. Cũng như cuộc đời của mỗi cá nhân, mỗi gia đình có giai đoạn khó khăn cũng là sự tất nhiên. Để giúp cả xã hội, mọi cá nhân ai ai cũng dư dả vật chất cần có thời gian và không dễ dàng. Tuy nhiên cái quan trọng, cái gốc của mỗi con người, mỗi xã hội, xã hội thực sự văn minh, hạnh phúc phải là sự giàu có về tinh thần, tinh thần đoàn kết, biết thương yêu nhau. Mỗi người phải biết, có ý thức và bằng hành động cụ thể mang sức mình chung góp vào niềm vui ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung góp niềm vui