Chung một dòng sông

Dạ Yến 03/09/2017 09:00

Mê Kông - một trong những dòng sông lớn nhất thế giới. Trên triền sông chảy qua lãnh thổ Việt Nam - Lào - Campuchia, bao đời nay người dân 3 nước cùng uống chung một dòng nước, tắm chung một dòng sông. Cứ thế, trải qua năm tháng, dòng sông gắn liền với lịch sử phát triển của cả ba dân tộc, với biết bao vui buồn, cay đắng, có lúc vơi, lúc đầy nhưng chưa khi nào khô cạn.


Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và bà Men Sam An - Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia tại Hội nghị xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia. (Ảnh: Dạ Yến).

Như một lẽ tự nhiên, dòng sông đã trở thành lời mở đầu cho rất nhiều câu chuyện và là mạch nối cho hy vọng của tương lai. Vào đúng dịp Việt Nam - Lào thiết thực kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, còn là dịp Việt Nam - Campuchia tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia của Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng được bắt đầu từ những câu chuyện như thế.

Trong tất cả những cuộc hội kiến, chào xã giao của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn với các nhà lãnh đạo đứng đầu nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, con sông Mê Kông đều được nhắc tới. Tạo hóa đã ban tặng cho dòng sông chảy qua lãnh thổ ba nước, mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng lúa bát ngát ở đôi bờ, mang cá tôm nuôi dưỡng con người, làm nên cuộc sống trù phú cho nhân dân Việt Nam – Lào - Campuchia.

Dòng sông ấy cũng đã không ngừng chứng kiến mối quan hệ gắn bó, keo sơn giữa ba dân tộc. Chính vì thế, trong mọi cuộc gặp gỡ, các nhà lãnh đạo đều mang hình tượng con sông để làm niềm tin bền chặt cho mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam-Lào, Việt Nam - Campuchia như dòng nước Mê Kông hùng vĩ, mãi mãi không bao giờ khô cạn, mãi mãi là mạch nguồn của hòa bình và thịnh vượng.

Mê Kông không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết là sợi dây kết nối cho mối tình Việt – Lào - Campuchia. Sự kết nối vô hình ấy, thật ra rất hữu hình như những ngày ở Lào hay Campuchia, chúng tôi đều có cảm giác như ở Việt Nam vì tình cảm nồng hậu của những người anh em, đồng chí, đồng nghiệp, vì những bữa cơm mang hương vị quê nhà, cũng cơm canh, cá kho, nước mắm và ở đâu cũng vậy, đều được đắm mình trong những vòng xòe lăm vông mê đắm.

Chuyến đi mang hương vị ấm áp, rộn ràng như âm hưởng “Bài ca hữu nghị Việt - Lào - Campuchia” của nhạc sĩ Thanh Phúc. Có thể có những bài hát khi nghe ta chưa biết tên nhưng giai điệu và âm hưởng của nó vẫn âm vang trong ta, theo ta trên mọi bước đường. Và có những tình cảm gắn bó keo sơn rất vô hình nhưng qua âm nhạc, tình cảm đó lại trở nên thân thương, gần gũi như lời bài hát này: “Chung dòng Mê Kông/ Khơme - Việt - Lào chung tiếng ca/Chung điệu xòe hoa/ Tay chung tay lòng cùng chung lòng/ Sống chung hòa bình/ Tay trong tay chung một bài ca/Lào - Việt - Khơme Samaki…”.

Samaki - dịch ra tiếng Lào và Campuchia đều có nghĩa là đoàn kết. Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện, gắn bó cùng phát triển- chính là tài sản vô giá mà bao thế hệ người Việt Nam – Campuchia - Lào đã phải trải qua nhiều hy sinh, cay đắng mới có thể giành được.

Ông Xixavat Keobunphan, nguyên Thủ tướng nước CHDCND Lào, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước năm nay đã chuẩn bị bước sang tuổi 90. Người bạn đời của ông đã ra đi gần 20 năm nay, trong căn nhà như lọt thỏm giữa một rừng cây lá ông bình yên giữ lại cho mình những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời sôi nổi.

Chủ nhân ngôi nhà vô cùng xúc động khi được đón những người bạn từ Việt Nam sang thăm. Nhưng chính ông lại khiến chúng tôi cảm động vô cùng khi nhìn thấy trong ngôi nhà giản dị ấy, những chỗ trang trọng nhất đều được treo ảnh Bác Hồ, ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các vị anh hùng của dân tộc Lào.

Là người gắn bó với các thế hệ lãnh đạo Việt Nam trong quá trình đấu tranh, bảo vệ xây dựng mối quan hệ thuỷ chung son sắt của hai dân tộc Lào - Việt, không ngạc nhiên khi thấy hình ảnh các vị anh hùng dân tộc Việt Nam được treo trang trọng trong nhà của nguyên Thủ tướng nước CHDCND Lào, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước.

Điều quan trọng là dù năm tháng đã trôi đi, tóc bạc màu sương gió, dù mắt mờ chân chậm, nhưng tình cảm mà ông Xixavat Keobunphan dành cho Việt Nam vẫn như dòng máu nóng chảy trong huyết quản khi ông nắm chặt tay Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và từng thành viên trong đoàn rồi nói: Việt Nam luôn ở đây - trong trái tim tôi.

Cuộc thăm hỏi của người đứng đầu MTTQ Việt Nam với nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã trở thành cuộc hạnh ngộ của hai người bạn, người anh em, đồng chí.

Trong suốt buổi trò chuyện, ông Xixavat Keobunphan như một cụ già kể lại chuyện xưa khi nhắc tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxon Phomvihan lúc lại dí dỏm chia sẻ những ngày tháng học tập, sinh sống trên đất nước Việt Nam và viện dẫn cả những câu thành ngữ của Việt Nam để bày tỏ tâm can.

“Ngày xưa mình đã đồng cam cộng khổ để đi qua gian khó bây giờ không lý gì mà lại không cùng nhau tiến lên”, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xixavat Keobunphan khẳng định. Và hiển nhiên, những điều ông vừa nói đều bằng tiếng Việt, rành mạch nhưng rất chân thành như tấm lòng ông.

Bất cứ ai đã từng đến Lào, đều có chung một cảm nhận, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng Việt vì người Lào đều ít nhiều biết nói tiếng Việt.


Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotu trò chuyện với Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và phu nhân.

Chủ tịch Quốc hội Lào, bà Pany Yathotu là một người như vậy. Còn nhớ trước khi vào cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Lào, anh phiên dịch người Lào đã chia sẻ với chúng tôi rằng, mỗi lần phiên dịch cho Chủ tịch Quốc hội là một áp lực vì bà Pany Yathotu rất giỏi tiếng Việt. Điều này đã được minh chứng trong cuộc hội kiến, có một số câu phiên dịch viên chưa kịp tìm ra từ thích hợp, bà Chủ tịch Quốc hội đã diễn giải một cách chuẩn xác.

Những chi tiết nhỏ càng làm cho không khí của một cuộc hội kiến mang tính chất ngoại giao ấm áp hơn rất nhiều đúng như tinh thần của hai người đứng đầu cuộc hội kiến - đại diện cho hai đất nước, hai dân tộc dành cho nhau.

Bà Pany Yathotu cho rằng, trên thế giới này không có đất nước nào mà Lào có thể chia sẻ và giúp đỡ chân tình như Việt Nam cho nên trách nhiệm của cả hai nước là phải tuyên truyền cho các thế hệ hiểu, gìn giữ phát huy, cùng nhau không ngừng vun đắp mối quan hệ của hai nước mãi xanh tươi, bền vững.

Những ngày này, đi dọc đất nước Lào, dù đang vào mùa mưa nhưng chỉ thấy bầu trời xanh ngắt, nắng vàng rực. Ánh nắng chói chang kéo dài cả một ngày làm cho đêm dường như ngắn lại. Lượn một cung đường theo phía Bắc qua Luông Pha Băng, U Đôm Xay, ngược U Đôm Xay lên Phong Sa Lỳ, về Hủa Phăn, Sầm Nưa, xuống Xiêng Khoảng qua cánh đồng Chum bí ẩn, mênh mang... Phía Nam theo đường quốc lộ 13, qua các tỉnh Trung Lào, qua bến phà Thà Khẹt, nơi ghi đậm dấu ấn ngày đẫm máu năm 1944, đến các vùng Lăm vông nổi tiếng như Sa La Văn, Sê Kong, At Ta Pư, qua chùa Vát Phủ cổ kính, thác Pà Pênh nằm giữa sông Mê Kông hùng vĩ...

Sông Mê Kong chảy qua hầu hết các tỉnh, thành của Lào. Thành phố nào bên sông cũng êm đềm đẹp đẽ. Đất đai mênh mông, tài nguyên thiên nhiên còn nguyên vẹn, tốc độ đô thị hóa chậm nên cuộc sống của người Lào rất giản dị, bình yên. Hiện thực ấy cùng với các triết lý của phật giáo ngấm sâu vào lối sống từ hàng ngàn đời đã tạo nên một lối sống dân tộc: lối sống thanh nhàn, giản dị và trong sáng.

Người mới đến không hiểu, cứ nghĩ là một lối sống nhàn tản, chậm chạp. Nhưng thực thì triết lý ấy, phong cách ấy làm cho cuộc sống thanh thản, ít bon chen hơn. Và người Lào hảo tính, hiền lành cũng chính từ lẽ đó.


Đoàn công tác tại Lào.

Trong Đoàn công tác hôm ấy, từ anh Phùng Khánh Tài, Chánh Văn phòng UBTƯ MTTQ Việt Nam, anh Nguyễn Tiến Khoa, Phó Chánh văn phòng cho đến anh Nguyễn Anh Đức, Phó ban Đối ngoại Kiều bào… ai cũng từng đến Lào vài lần. Cảm nhận chung của mỗi lần đến là trong hành trang trở về thêm một lần mang nặng tình cảm thân thương mà người dân ở đất nước tươi đẹp này dành tặng. Như những sợi chỉ buộc cổ tay, nhắn gửi triệu lời chúc tốt lành.

Chúng tôi hiểu đó là những tình cảm chân thành nhất bởi sự gắn bó, đồng hành không chỉ của đội ngũ cán bộ Mặt trận hai nước mà còn bởi ơn nghĩa sâu nặng mà nhân dân hai đất nước, hai dân tộc đã dành cho nhau trong suốt những năm tháng qua.

Chính vì lẽ đó, khi tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Tổng hội người Việt Nam tại Lào, Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn luôn cho rằng, sứ mệnh của mỗi người Việt ở Lào không chỉ làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình với quê hương đất nước mà còn phải coi việc dựng xây phát triển đất nước Lào như dựng xây cho đất nước, quê hương mình.

Tinh thần này cũng được người đứng đầu MTTQ Việt Nam nhấn mạnh tại cuộc gặp gỡ với Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Tổng hội người Campuchia gốc Việt.

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Nửa thế kỷ đã qua, đây là một khoảng thời gian không dài so với bề dày lịch sử quan hệ hai dân tộc, nhưng đó là giai đoạn có ý nghĩa to lớn đánh dấu mốc đoàn kết, tình cảm sắc son, tinh thần tương trợ lẫn nhau của hai dân tộc, khi quân đội, nhân dân hai nước luôn kề vai, sát cánh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Với riêng cá nhân Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga, Campuchia lại là một nơi chốn thân quen để đi về từ trước đó nhiều năm, khi ông còn trên cương vị là Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ. Nhiều chương trình hợp tác, đầu tư của TP Cần Thơ với thủ đô Phnom Pênh và một số địa phương khác được triển khai bằng nỗ lực và tấm lòng của những người anh em, đồng chí đã trở thành mối nhân duyên vẫn nối tiếp trong sự phát triển chung của hai đất nước, hai dân tộc.

Cùng nhau phát triển - đó cũng là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ hoàng gia Campuchia Hun Sen trong cuộc hội kiến với Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn. Vì theo ông Hun Sen, trong chiến tranh, hai dân tộc cùng nhau vượt qua gian khổ thì bây giờ là lúc hai đất nước phải đoàn kết cùng nhau phát triển.

Trong đó, việc hoàn thành phân giới cắm mốc đường biên giới của hai nước là ước nguyện của người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Đây cũng là mong mỏi của Quyền Quốc trưởng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Say Chhum trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: “hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới chính là di sản để lại cho thế hệ mai sau”.

Trách nhiệm xây dựng đường biên giới hòa bình - hữu nghị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ cán bộ Mặt trận ba nước.

Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Campuchia - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, hay Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào đều là những sự kiện thường niên giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia và UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước.

Đây là hoạt động nhằm hiện thực hóa quyết tâm chính trị của Chủ tịch Mặt trận 3 nước: Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia Heng Samrin - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane tại Hội nghị cùng tên vừa diễn ra trong tháng 6 năm nay tại Hà Nội.


Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho người nghèo Campuchia tại tỉnh Kam Pot.

Trong bối cảnh Việt Nam- Lào, Việt Nam- Campuchia vừa tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, Hội nghị xây dựng đường biên giới của Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia đã góp phần ghi thêm một dấu mốc, giai đoạn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa Lào - Việt Nam; Việt Nam - Campuchia và mở ra một chương mới trong quan hệ của những dân tộc láng giềng.

Thông lệ này đã trở thành một dịp để những người làm công tác Mặt trận ba nước hội ngộ. Ngài Nhem Valy, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia là một người bạn như thế. Tại Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Campuchia - Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển vừa diễn ra tại tỉnh Kam Pot, Campuchia, ông chào đón chúng tôi bằng tình cảm của một người thân lâu ngày gặp lại, chăm sóc, thăm hỏi từng bữa ăn và luôn nồng hậu hỏi từng người vào mỗi buổi sáng bằng tiếng Việt: “Có ngủ được không?”.

Hầu như cán bộ Mặt trận các tỉnh của Campuchia có đường biên tiếp giáp với Việt Nam đều nói được tiếng Việt. Nhiều người trong số họ đã từng học tập và công tác tại Việt Nam. Thậm chí có người còn có mẹ, hoặc bố là người Việt cho nên nhắc tới Việt Nam là nhắc đến thương nhớ.

Có đi mới thấy, tiếng Việt ở Campuchia hay ở Lào đã trở thành ngôn ngữ thân quen với nhiều người dân ở hai quốc gia này. Chúng tôi nhớ mãi giây phút xúc động ở biên giới Việt Nam - Lào, thuộc địa phận cửa khẩu Chalo, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn, ông Khăm Phần Thong Thê Pha Hắc, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Huyện trưởng huyện Bua Lạ Pha đã từng dùng hai từ “máu thịt” để nói lên quyết tâm cùng nhân dân các vùng biên giới Việt Nam xây dựng đường biên, gìn giữ mối quan hệ Việt Nam - Lào như gìn giữ máu thịt của chính mình.

Biên giới là lãnh thổ thiêng liêng là chủ quyền bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, dân tộc. Và dân tộc nào cũng vậy, bằng mọi giá phải bảo vệ được biên giới của mình. Nhưng có lẽ điều giản dị nhất mà ông Bí thư Huyện ủy Bua Lạ Pha đã cho chúng tôi thấy, ông cũng như người dân Việt Nam ở bên kia dãy Trường Sơn đang bảo vệ biên giới của mình bằng “sức mạnh mềm”- sức mạnh xuất phát từ trái tim.

Có sức mạnh nào bền bỉ, mãnh liệt hơn sức mạnh xuất phát từ tình yêu. Có biên giới nào được xây dựng gìn giữ tốt đẹp hơn bằng tình hữu nghị. Biên giới không chỉ là ranh giới hiện hữu trên những tấm bản đồ, trên những mảnh đất thân yêu hay trên những vùng biển tiền tiêu Tổ quốc mà biên giới còn hiện hữu ở trong tim để luôn luôn nhắc nhở nhau, cùng nhau vun đắp, dựng xây trong hòa bình.

Như con sông Mê Kông vẫn êm đềm chảy qua năm tháng, với biết bao vui buồn, cay đắng, có lúc vơi, lúc đầy nhưng chưa khi nào khô cạn...

Tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia, giữa Việt Nam và Lào như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tin tưởng sẽ không bao giờ khô cạn, như dòng sông Mê Kông hùng vĩ, mãi mãi là mạch nguồn của hòa bình và thịnh vượng.
Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Mặt trận đoàn kết phát triển tổ quốc Campuchia và Mặt trận Lào xây dựng đất nước đều là những tổ chức có chức năng tương đồng trong việc tập hợp đoàn kết rộng rãi nhân dân, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, giai cấp để tập hợp sức mạnh yêu nước, yêu chuộng hoà bình tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung một dòng sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO