Ngày 17/11, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã.
Đoàn Chủ tịch phiên khai mạc Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Lào Sonxay Siphandone; Hoàng tử Vương Quốc Anh William; Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng giám đốc cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc Yury Fedotov; Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Cùng với đó là các Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Bộ chuyên ngành, các trưởng đoàn của 46 quốc gia, Liên minh châu Âu, 7 tổ chức quốc tế, hơn 40 tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ, với khoảng 250 đại biểu và hơn 50 cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.
Quyết liệt hành động
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh sống của các loài sinh vật trong tự nhiên. Việt Nam cũng là quốc gia sớm tham gia các Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học; Công ước về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán quốc tế các loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp.
Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đa dạng, bảo tồn sinh học, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã. Như việc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn tài nguyên và tăng trưởng kinh tế; việc thay đổi nhận thức và sinh kế của một bộ phận dân cư phải sống dựa vào sự đa dạng tài nguyên sinh học; việc thay đổi nhu cầu và thói quen tiêu dùng các sản phẩm động, thực vật hoang dã; vấn đề hợp tác quốc tế, ngăn chặn vận chuyển hàng hóa là các vật, động thực vật hoang dã; rồi việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này… cũng có những hạn chế nhất định.
“Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động buôn bán trái pháp luật các loài thực, động vật hoang dã không còn nằm trong khuôn khổ quốc gia mà đã ở quy mô toàn cầu, có chiều hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Đặc biệt là hiện tượng buôn bán ngà voi, tê tê, sừng tê giác, các loài mèo lớn… với sự tham gia của các mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế, đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài nguy cấp. Nếu không hành động có trách nhiệm và quyết liệt ngay từ hôm nay thì thế hệ tương lai sẽ vĩnh viễn không còn được thấy nhiều loài động vật hoang dã mà phải trải qua hàng triệu năm tiến hóa mới có được…”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Vậy nên, để bảo vệ hiệu quả các loài động vật, thực vật hoang dã, cần có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế. Trong đó, cần có cách tiếp cận tổng thể, chú trọng và thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, pháp luật và thực thi hiệu quả pháp luật; xóa bỏ các thị trường tiêu thụ bất hợp pháp, thực hiện các chiến dịch giảm và không còn tiêu dùng động vật, thực vật hoang dã trái phép; phát triển sinh kế bên vùng cho cộng đồng dân cư sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên và tăng cường hợp tác, điều phối quốc tế.
Chia sẻ ý kiến của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Lào Sonxay Siphandone cũng cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ đa dạng sinh học trên toàn cầu và cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng này. 49 khu bảo tồn của Lào chiếm đến 35% diện tích. Chính phủ Lào đã thông qua cơ chế ngăn chặn tình trạng suy giảm động vật hoang dã.
“Chúng ta cần có những biện pháp phục hồi cân bằng hệ sinh thái, cần có sự chung tay hợp tác quốc tế để bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã”- Phó Thủ tướng Lào kêu gọi, đồng thời nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc chung tay chống lại nạn buôn bán trái pháp luật các loài hoang dã.
Thay đổi từ nhận thức
Phát biểu tại hội nghị Hoàng tử Vương Quốc Anh William đánh giá cao nỗ lực của nhiều quốc gia trong việc quyết tâm thực hiện ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ mẫu động thực vật hoang dã, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là hành động của Việt Nam tiêu hủy hơn 2 tấn ngà voi và hơn 70 kg sừng tê giác trước thềm hội nghị này.
Hoàng tử William tiếp tục đề nghị các quốc gia, cần tăng cường và sử dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn việc giết hại, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ mẫu vật động thực vật hoang dã.
“Nhiều người hỏi, tại sao lại có tình trạng khủng hoảng, đe dọa sự tuyệt chủng các loài động vật hoang dã. Đó là do còn tồn tại hành vi buôn bán, sử dụng trái pháp luật các động vật này. Đây là hành vi vô cùng nghiêm trọng và phải chấm dứt. Mọi người cần nhận thức rõ, động vật hoang dã sẽ bị tuyệt chủng và chính nhu cầu sử dụng là động lực cho việc buôn bán trái phép”- Hoàng tử William nói.
Bàn về giải pháp, theo Hoàng tử William, mỗi quốc gia cần sáng tạo hơn trong phòng chống săn bắt và buôn bán động, thực vật hoang dã. Chúng ta thừa nhận việc tiêu dùng sử dụng các sản phẩm từ loài hoang dã là động thái khiến cho việc săn bắt phát triển. Mỹ đã có luật, còn Anh đang xem xét thông qua.
“Khủng hoảng là cơ hội để chúng ta có niềm tin, sức mạnh giải quyết vấn đề này. Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để ngăn chặn điều này”-Hoàng tử Anh khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thư kí Liên hợp quốc Yury Fedotov nhận định, Việt Nam là một quốc gia đa dạng về hệ sinh vật, có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như hổ, tê tê…
Việt Nam cũng là một trong những địa điểm chuyển tiếp cho các hoạt động buôn bán như hổ, ngà voi. Ông đánh giá cao Việt Nam cũng như các nước đã cam kết mạnh mẽ về chính trị để đấu tranh chống lại hoạt động này. Liên hợp quốc cũng sẽ luôn ở bên cạnh các quốc gia trong cuộc chiến bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã.
Trước đó, ngày 16/11, 13 tổ chức hoạt động tại Việt Nam về bảo tồn các loài hoang dã, chống lại tội phạm liên quan tới động vật hoang dã - đã cùng đưa ra lời kêu gọi Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế của mình về giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã với các hành động cụ thể. Hôm nay (18/11), Hội nghị họp phiên mở rộng với sự tham gia của các đại diện cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm thảo luận các hành động cụ thể triển khai Tuyên bố Hà Nội nói trên. |