Chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Hạnh Nguyên - Cẩm Kỳ 20/05/2022 13:40

Đại biểu đưa ra nhiều ý kiến, tham vấn sắc bén, gợi mở các mô hình hay trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị tập huấn công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022 diễn ra tại Hà Tĩnh vào sáng 20/5 đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu cũng như tham vấn các ý kiến của chuyên gia.

Ông Phùng Khánh Tài và ông Trần Hồng Thái chủ trì thảo luận.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài và Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Thái chủ trì thảo luận.

Tại hội nghị, đại biểu được trang bị kiến thức về thực trạng, giải pháp BVMT ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai đảm bảo phát triển bền vững ở Việt Nam và một số nội dung chính trong Luật BVMT năm 2020.

Sau khi tiếp nhận những nội dung nói trên, đại biểu và các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, tham luận xung quanh công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới.

Ông Đinh Sỹ Dũng.

Theo ông Đinh Sỹ Dũng, Trưởng ban Công tác Mặt trận số 5 (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), tại khu dân cư, người dân có ý thức rất cao trong việc BVMT. Đặc biệt, ở đây đã thành những nếp nghĩ, cách làm hiệu quả thông qua các phong trào như “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”; phân loại rác tại nguồn.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển điện mặt trời, điện gió cần hạn chế để có một môi trường đảm bảo an toàn.

Mặt khác, ông Đinh Sỹ Dũng đề nghị các cấp có thẩm quyền nên có chế tài và biện pháp hạn chế việc chôn lấp rác thải bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường từ việc chôn lấp rác thải rất cao.

Ông Hoàng Văn Minh.

Ông Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình chia sẻ, địa phương hàng năm có các lớp tập huấn, triển khai và tổ chức tổng kết, sơ kết để đúc rút kinh nghiệm trong công tác BVMT. Đặc biệt, quá trình xây dựng NTM có sự đồng tình người dân rất cao về công tác BVMT.

Người dân tự làm, tự BVMT sống xung quanh mình, qua đó cho thấy nhận thức người dân cao sẽ quyết định được hiệu quả BVMT.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đề nghị, trong chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn tổng kết, sơ kết đồng bộ trên xuống dưới để phát huy hiệu quả cao hơn.

Trong đó, chú trọng đến chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác BVMT.

Bà Lê Thị Thu Thủy.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam thông tin về các mô hình, cách làm hiệu quả của địa phương trong công tác BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó MTTQ phát huy vai trò giám sát, phản biện trong công tác này.

Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương triển khai đầy đủ các chương trình phối hợp giữa MTTQ và ngành Tài nguyên Môi trường.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với MTTQ trong việc quan trắc môi trường hàng năm, có sự giám sát chặt chẽ để thông tin đến người dân.

Ông Trần Nhật Tân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân chia sẻ, đối với Hà Tĩnh, trong xây dựng nông thông mới, địa phương gặp khó khăn nhất là xây dựng khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp. Quá trình đó, địa phương tìm tòi cách làm riêng, sáng tạo, trong đó trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể rất lớn.

Theo ông Trần Nhật Tân, vấn đề nhức nhối nhất ở vùng nông thôn không chỉ Hà Tĩnh mà các địa phương khác đều nhận thấy đó là chưa có chế tài xử lý đối với việc chăn nuôi nông hộ khi vi phạm công tác vệ sinh môi trường.

Ông Trần Huy Oánh.

Tại hội nghị, ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ những kinh nghiệm, hiệu quả trong việc thực hiện công tác BVMT của Hà Tĩnh thông qua đề tài khoa học "Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”.

Bà Lê Thị Hằng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm của đơn vị khi thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản về BVMT”.

Bà Lê Thị Hằng.

Theo bà Hằng, để nâng cao ý thức người dân trong BVMT, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần “đi từng gõ, gõ từng nhà” với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Mặt trận hướng dẫn, đốc thúc mỗi tổ chức đoàn thể triển khai một mô hình cho riêng mình. Quá trình tuyên truyền, vận động cần nhắc nhở, phê bình để ý thức người dân nâng lên.

Hội nghị được GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giải đáp các thắc mắc, tiếp nhận ý kiến kiến nghị của đại biểu.

Đồng thời, Giáo sư Trần Hồng Thái cũng thông tin nhiều phương án, giải pháp về việc BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới cho các đại biểu. Trang bị kiến thức, kỹ năng cho các đại biểu để triển khai có hiệu quả hơn ở địa phương.

Giáo sư Trần Hồng Thái.

Kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 05, ngày 12/01/2021 giữa Bộ Tài Nguyên và môi trường với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 - 2025 cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn nội dung phù hợp và nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt để triển khai rõ về hiệu quả, sản phẩm, tạo sự chuyển biến thực chất, nhất là từ cơ sở.

Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, việc chấp hành Luật BVMT năm 2020, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư trong công tác BVMT.

Trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Chương 13: trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong BVMT.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6; kết hợp tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài phát biểu kết thúc hội nghị.

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Mặt trận về nhận thức, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về BVMT để có đủ điều kiện triển khai công tác BVMT có kết quả từ cơ sở đến tỉnh.

Tập trung xây dựng mô hình điểm thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn ở cộng đồng dân cư nhất là rác thải nhựa sử dụng một lần và nhân rộng ra phạm vi xã, huyện, tỉnh và Trung ương (Trung ương đang triển khai xây dựng Đề án thực hiện trọng phạm vi cả nước).

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia BVMT” góp phần xây dựng diện mạo khu dân cư NTM, đô thị văn minh Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, khu dân cư văn hóa.

Duy trì tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư về BVMT, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tăng cường phối hợp với ngành tài nguyên môi trường và các cơ quan chức năng trong công tác giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT nhất là những vụ việc, địa bàn nhân dân có nhiều bức xúc.

Tham gia phản biện, xây dựng, góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, các đề tài dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ BVMT, phát triển bền vững.

Tổ chức tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân về lĩnh vực tài nguyên, môi trường gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống năm 2022.

Phát hiện, biểu dương các mô hình hay, điển hình tiên tiến trong các hoạt động, phong trào BVMT, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu