Chung tay làm cho thế giới sạch hơn

Nguyễn Phượng 15/09/2020 16:00

Ra đời từ năm 1993. Từ đó đến nay, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người trên 130 nước tham gia.

Chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên với những thông điệp về bảo vệ môi trường một cách cụ thể và thiết thực nhất.

Lễ phát động quốc gia phòng về chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.

Mặc dù đến tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn mới bắt đầu, nhưng những năm gần đây, không chỉ dừng lại ở những lễ ra quân, những chương trình phát động, tinh thần “làm cho thế giới sạch hơn” đã lan toả sâu rộng trong cộng đồng. Hàng năm, sau khi Bộ Tài Nguyên và Môi trường có công văn hướng dẫn về thực hiện Chiến dịch, các tỉnh, thành, các đoàn thể trong cả nước đều có những hoạt động cụ thể để tham gia.

Các hoạt động được triển khai Chiến dịch gắn với phong trào bảo vệ môi trường của các ngành, các địa phương. Do đó, những thông điệp của các chiến dịch như “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững” (năm 2017), “Bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng” (2018) hay “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” (2019) đã trở nên quen thuộc với mọi người. Nổi bật trong tham gia Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn là hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Trong đó, MTTQ các cấp phối hợp các đoàn thể nhân dân tổ chức được nhiều chương trình dọn rác thải, tuyên truyền vận động bảo vệ rác thải ở khu dân cư.

Người dân tham gia dọn sạch bờ biển Đồ Sơn (Hải Phòng).

Trong đó, chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” năm 2019 tập trung vào vấn đề giảm thiểu ô nhiễm, chống rác thải nhựa đã thực sự có tác động rất lớn đến ý thức của mọi tầng lớp nhân dân thông qua phối hợp, lồng ghép với các nội dung bảo vệ môi trường khác. Từ năm 2019 đến nay, hưởng ứng chiến dịch này, các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ các cấp đã có nhiều sáng kiến trong giảm thiểu ô nhiễm.

Chẳng hạn tại Hà Nội, phong trào “Chống rác thải nhựa” được thực hiện qua nhiều mô hình khác nhau, thí dụ như mô hình “Thu gom rác gây quỹ hội”, “Đổi rác lấy quà”, “Ngày hội tái chế”… hay tạo ra các loại đồ chơi để cho các em thiếu nhi. Các cấp hội cũng vận động chị em, cộng đồng không sử dụng chai nhựa một lần, không sử dụng ống hút nhựa…

Đến thời điểm này, việc không sử dụng chai nhựa một lần, ống hút nhựa đã trở thành một nét văn hoá của các công sở trên địa bàn. Không chỉ tại Hà Nội, các tỉnh, thành như: Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… hàng năm đều có các hoạt động thiết thực tham gia hưởng ứng chiến dịch. Do lồng ghép các chủ đề của chiến dịch với các chương trình của địa phương nên chiến dịch diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng các hoạt động hưởng ứng, thông điệp bảo vệ môi trường của chiến dịch được biết đến quanh năm.

Người dân cùng tham gia dọn sạch bờ biển Đồ Sơn (Hải Phòng).

Chuẩn bị cho chiến dịch năm nay, từ 10-9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4984/BTNMT-TTTNMT hướng dẫn các Bộ, ban ngành, đoàn thể và các địa phương cả nước các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các đơn vị, địa phương tiến hành chiến dịch một cách có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tổ chức các hoạt động cộng đồng như ra quân vệ sinh môi trường; thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước…

Đồng thời, phát động hưởng ứng các phong trào như Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh, Ngày Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nilon... Khởi công, xây dựng và bàn giao các dự án, công trình về bảo vệ môi trường nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh.

Ngoài ra, các địa phương, các ngành nên tổ chức các hoạt động thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm quản lý cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Cũng trong dịp này, sẽ có các hội thảo, hội nghị, tọa đàm công tác bảo vệ môi trường; các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó tập trung việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuyên truyền về việc từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự, clip tuyên truyền về bảo vệ môi trường...

Hội LHPN tỉnh Thái Bình ra quân hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.

Đến nay, đã có nhiều cơ quan, đoàn thể xây dựng kế hoạch hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Đi đầu trong các hoạt động này là Hội LH Phụ nữ. Trung ương Hội LH Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện truyền thông trực tuyến “Tử tế vì môi trường” hưởng ứng chủ đề Chiến dịch năm 2020 – “Hành động nhỏ, thay đổi lớn”, dự kiến vào ngày 20/9 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (20 Thụy Khuê, Hà Nội).

Đặc biệt, Hội Phụ nữ sẽ vận động đến từng Hội viên tham gia hưởng ứng, gắn với phong trào “năm không, ba sạch” mà Hội LH Phụ nữ đang triển khai. Với những kinh nghiệm triển khai Chiến dịch trong thời gian qua, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2020 với chủ đề “Hành động nhỏ, thay đổi lớn” sẽ tiếp tục lan toả tinh thần bảo vệ môi trường trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung tay làm cho thế giới sạch hơn