Trong hơn một tháng Hà Nội sẽ tràn ngập các hoạt động kỉ niệm 135 năm ngày sinh Franz Kafka, nhà văn lớn của thế kỉ 20.
Franz Kafka sinh ngày 3/7/1883, là nhà văn Áo viết văn bằng tiếng Đức nổi tiếng thế giới. Ông qua đời vào năm 37 tuổi với mong muốn đốt sạch những thứ mình đã viết ra. Max Brod, người bạn thân thiết nhất của Kafka đã làm trái di nguyện của ông. Max Brod đã xuất bản các tác phẩm Kafka viết lúc rảnh rỗi vì ông biết Kafka thực sự tài năng.
Những tiểu thuyết, truyện ngắn giàu tính triết học đã đưa Kafka trở thành một nhà văn có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Văn học của Kafka có ảnh hưởng lớn đến những trường phái văn học - triết học sau này như: phi lí, hiện thực huyền ảo, hiện sinh, hậu hiện đại.
Những tiểu thuyết gia ăn khách nhất thế giới ngày nay như Haruki Murakami, Salman Rushdie, Margaret Atwood,... không chỉ hâm mộ mà còn thừa nhận chịu ảnh hưởng lớn từ Kafka.
Festival Kafka tại Hà Nội do Đại sứ quán Áo, Cộng hòa Czech, Pháp, Đức và Thụy Sỹ tại Việt Nam cùng phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, và các trung tâm điện ảnh, không gian văn hóa tổ chức.
Trong thời gian diễn ra festival từ ngày 5/3 đến 14/4, khán giả sẽ được tiếp cận với các tác phẩm của Kafka tại Không gian văn hóa Đông Tây, Heritage Space, các hiệu sách Nhã Nam, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD, cà phê sách Tổ Chim Xanh, Tranquil, Tùng Book, Hoa mười giờ.
Tại đây không chỉ trưng bày mà còn bán các tác phẩm của Kafka đã được dịch sang tiếng Việt.
Các tác phẩm chính của Kafka bao gồm 3 tiểu thuyết Vụ án (in năm 1925), Lâu đài (1926),Nước Mỹ (1927); truyện vừa Hóa thân (1915). Những truyện ngắn tiêu biểu của ông bao gồm Lời tuyên án, Một người thầy thuốc nông thôn, Trại cải tạo, Nghệ sĩ nhịn ăn…
Một số tác phẩm của Kafka đã được dịch ra tiếng Việt.
Ngoài ra chuỗi triển lãm Kafka - Hành trình đến với độc giả Việt Nam không chỉ cung cấp thông tin về nhà văn này mà còn trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật được lấy cảm hứng từ những sáng tác của nhà văn tại ba địa điểm: Không gian văn hóa Đông Tây (từ 23/3 đến 1/4), Heritage Space (từ 3/4 đến 8/4), Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội (từ 9/4 đến 14/4).
Sẽ có ba cuộc tọa đàm về Kafka mang tên Franz Kafka - Cuộc đời và di sản (tại Không gian văn hóa Đông Tây ngày 24/3), Franz Kafka - Hơn cả một cái tên (tại Heritage Space ngày 7/4), Triết học trong nghệ thuật Franz Kafka (tại Nhã Nam Book and Coffee, Shop House 10 ngày 13/4) và hội thảo Kafka với nền văn học châu Á (tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngày 14/4).
Nhà văn Franz Kafka.
Song song, khán giả sẽ được xem rất nhiều bộ phim tài liệu về Kafka, phim truyện dựa theo tác phẩm của ông: Kafka là ai? (Thụy Sỹ), Kafkaesque - Joseph Kilian (Czech), Lâu đài (Đức - Áo), Vụ án (Pháp)… tại Không gian văn hóa Đông Tây, Heritage Space, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn.
Đồng thời còn có các chương trình nghệ thuật, cuộc thi viết về Kafka trong khuôn khổ festival này.