Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp - thủy sản: Băn khoăn một lộ trình

Đơn Thương 29/06/2015 15:42

Triển khai Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4-3-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp – thủy sản (CNSHNNTS) đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, sau 10 năm nhìn lại, còn rất nhiều băn khoăn và trăn trở được đưa ra, trong đó, tính ứng dụng thực tế là vấn đề băn kho

Trong 10 năm, tuy có rất nhiều đề tài nghiên cứu nhưng tính ứng dụng thực tế vào nông nghiệp còn rất thấp

Những kết quả ghi nhận

Trong giai đoạn 2006-2014, với tổng kinh phí được cấp là 551,447 tỷ đồng, CNSHNNTS đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ trên cả 2 lĩnh vực được lựa chọn. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp đã hoàn thành 145 nhiệm vụ; lĩnh vực thủy sản 69 nhiệm vụ. 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu (lĩnh vực nông nghiệp: 83 nhiệm vụ; lĩnh vực thủy sản 47 nhiệm vụ), trong đó một số nhiệm vụ đã được tiếp tục lựa chọn đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào sản xuất.

Trong 2 lĩnh vực là nông nghiệp và thủy sản thì lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tốt, nổi bật là ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chọn tạo được các giống lúa mang gen thơm, kháng sâu/bệnh và chịu hạn. Nhiều dòng giống cây trồng hình thành trong chương trình này được coi là triển vọng, đang gửi khảo nghiệm để tiến tới công nhận giống. Chương trình đã triển khai 12 dự án vi nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào trên các đối tượng cây lâm nghiệp, hoa, khoai tây…. Đã xây dựng được các quy trình nuôi cấy mô tế bào ở quy mô rộng, chuyển giao cho các cơ sở, sản xuất và cung cấp hàng triệu cây giống cho nhiều doanh nghiệp, công ty…

Chương trình cũng đã triển khai 1 dự án sản xuất thử nghiệm về sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học trong sản xuất rau an toàn và xây dựng được mô hình sản xuất 31 loại rau an toàn quy mô 70,5ha tại Hà Nội, Hải Dương và Vĩnh Phúc, cung cấp cho thị trường trên 1.740 tấn rau an toàn. Hiện nay, sau khi dự án kết thúc, nhiều địa điểm đã hình thành được các cơ sở sản xuất và đại lý cung cấp rau an toàn trên thị trường.

Bên cạnh đó, Chương trình đã triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm về vi nhân giống hoa, vi nhân giống bạch đàn uro và keo lai, hoàn thiện ứng dụng thành công tại Quảng Ninh, Yên Bái. Quy trình công nghệ vi nhân giống hoa qui mô công nghiệp cũng được thực hiện tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và duyên hải Nam Trung Bộ. Chỉ tính đến hết năm 2013, chương trình đã sản xuất được gần 30 triệu cây giống bạch đàn, keo bằng công nghệ mô, hom; 2,5 triệu cây giống hoa cúc, 200.000 cây giống hoa hồng môn, 150.000 cây giống hoa đồng tiền...
Cũng nằm trong Chương trình, sau 10 năm, đã nghiên cứu và sản xuất 10 chế phẩm bảo vệ thực vật trên cây trồng nông, lâm nghiệp, 8 loại chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ chức năng phục hồi, ổn định và nâng cao độ phì của đất trồng góp phần tăng khả năng giữ nước ở vùng đất trồng cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo..), đất trống đồi trọc và đất có nguy cơ sa mạc hóa... Các chế phẩm này đã được tiếp tục triển khai ứng dụng trong sản xuất bằng các dự án sản xuất thử nghiệm hoặc được chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất tại các tỉnh miền Bắc, miềnTrung, Tây Nguyên, Phú Quốc, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước...

Thấp về tính ứng dụng

Với những kết quả đạt được sau 10 năm, tuy nhiên việc tổng kết đánh giá đã đưa ra một băn khoăn là tính ứng dụng của CNSHNNTS. Đây đang được coi là vấn đề cần phải có sự “mổ xẻ” để khắc phục trong giai đoạn tiếp theo 2015 – 2020. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT , bên cạnh những kết quả đạt được, sản phẩm ứng dụng thực tiễn của chương trình chủ yếu mới tập trung vào các giống lúa mới, các chế phẩm vi sinh vật, các cây giống nuôi cấy mô và một vài sản phẩm khác. Đối với các lĩnh vực như chăn nuôi thú y, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây trồng biến đổi gen chưa có nhiều kết quả ứng dụng thực tiễn.

Tương tự về tính ứng dụng trong lĩnh vực Thuỷ sản cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay chúng ta mới tạo ra chủ yếu là các sản phẩm trung gian, sẽ là vật liệu để nghiên cứu, sản xuất tạo ra các sản phẩm cuối cùng. Tính kế thừa của các dự án sản xuất thử nghiệm sẽ được triển khai mở rộng để tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn sản xuất trong giai đoạn tiếp theo. Cũng theo đánh giá, số đề tài ứng dụng công nghệ gen còn ít, hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực mà các đề tài dự án triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng, chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cấp bách trên một số đối tượng cây trồng hay giống thủy sản chủ lực mà cần có công nghệ cao mới có thể giải quyết được.

Các đối tượng cây trồng quan trọng như ngô, đậu tương, lĩnh vực chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, thức ăn, phòng trị bệnh, quản lý, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, công nghệ sau thu hoạch, chế biến và VSATTP còn ít đề tài, dự án... Tính đến nay, số nhiệm vụ hợp tác quốc tế mới hoàn thành 6 nhiệm vụ so với mục tiêu là 80 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản phải thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp - thủy sản: Băn khoăn một lộ trình