Ngày 20/6, tại TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra Chương trình giao lưu “Nhớ nhà báo Lý Tiến Dũng - Hành trình một cuộc đời”.
Chương trình giao lưu “Nhớ nhà báo Lý Tiến Dũng - Hành trình một cuộc đời”.
Chương trình tưởng nhớ về nhà báo Lý Tiến Dũng - cố Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết, Phó trưởng Ban Công tác phía Nam của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã để lại những dấu ấn đối với nhiều đồng nghiệp làm báo…
Trước khi khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực báo chí, nhà báo Lý Tiến Dũng có hơn 12 năm tham gia và phục vụ quân đội. Nhập ngũ năm 19 tuổi, Lý Tiến Dũng đi thẳng đến mặt trận 479. Ở mặt trận 479, cái chết đã suýt kéo anh đi.
Nhờ sự cứu chữa hết lòng của quân y tiền phương, Lý Tiến Dũng đã chết đi rồi sống lại sau trận sốt rét ác tính. Rồi anh trở lại mái trường quân đội.
Cuốn sách “Lý Tiến Dũng hành trình một cuộc đời” của nhiều tác giả.
Những ai đã từng sống cùng Dũng ở Trường Sĩ quan Công binh và Học viện Chính trị - Quân sự đều biết rõ sự sáng tạo, chủ động của Lý Tiến Dũng trong học tập, nghiên cứu và cả sự cương trực thẳng thắn.
PGS-TS Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành, một trong những giáo viên của anh thời kỳ đó vẫn không thể quên sự quyết liệt của học viên Lý Tiến Dũng khi anh trực diện đối thoại với các giảng viên để bảo vệ những vấn đề khoa học trong lịch sử.
Từ giữa năm 1991, anh chuyển sang một trận địa mới ở “chốt” đầu tiên: Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh. Tại đây, trong suốt 5 năm đầu tiên của nghề báo, Lý Tiến Dũng đã nhanh chóng khẳng định bút pháp sắc bén, cẩn trọng và mượt mà trong các thể loại điều tra và ký sự nhân vật.
Tại đây, ngòi bút điều tra của Lý Tiến Dũng trên Báo Phụ nữ đã đưa ra ánh sáng hàng loạt vụ tiêu cực trong ngành hàng hải, hàng không, ngành in, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu, việc cho - nhận nuôi con.
Cũng từ đó, tên tuổi Lý Tiến Dũng dưới các bút danh khác nhau đã được truyền đi trong đồng nghiệp báo chí với nhiều thán phục và quý trọng.
Ngòi bút Lý Tiến Dũng từ năm 1998 đến 10 năm sau đó trên Báo Đại Đoàn Kết và một vài báo khác là biểu hiện độ chín muồi của một cây bút có sức nặng chính trị và nghiệp vụ.
Không dừng lại ở mức độ phanh phui tham nhũng, tiêu cực trong từng vụ việc, ngòi bút Lý Tiến Dũng đã chỉ ra điều gì và những ai đã đứng sau, đã tiếp tay từ xa tới gần cho những sai phạm như: Hai tuyến nhân vật quanh bàn cờ tham nhũng; Phạm Huy Phước không thể tham ô một mình; “Kênh thông tin” của băng nhóm xã hội đen; Phần chìm của tảng băng; Giết ông Hà ai được lợi?; Nghề “phóng viên điều tra”: Chính diện và phản diện; Điển hình của lỗ hổng tài chính…
Phu nhân của cố Giáo sư Lý Chánh Trung, thân mẫu nhà báo Lý Tiến Dũng tại buổi giao lưu.
Tại buổi giao lưu, bà Lê Thị Thu - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh thời kỳ nhà báo Lý Tiến Dũng chuyển từ quân đội về công tác ở Báo phụ nữ TP, xúc động nhớ lại và chia sẻ những kỷ niệm về nhà báo Lý Tiến Dũng, với sự nhiệt huyết, dám xông pha vì lẽ phải của người cầm bút.
Ông Nguyễn Hồ - Nguyên Giám đốc xưởng phim Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi quen vợ chồng Dũng từ khá lâu và đọc khá nhiều bài chống tiêu cực của Lý Tiến Dũng.
Mỗi lần ngồi uống cà phê với Dũng tôi đều hỏi vui: “Có mặc áo giáp không?”, bởi tôi biết rằng sự hiểm nguy sẽ ập đến bất kỳ lúc nào với những người đứng ra phanh phui những tiêu cực nhưng Dũng chỉ cười, nụ cười đầy tự tin, chẳng chút sợ hãi”.
Nhà báo Kim Hạnh bày tỏ ấn tượng về sự nghiêm túc trong công việc, biết chắt chắt chiu, giữ gìn tài liệu, đặc biệt rất kiên định vì lẽ phải của nhà báo Lý Tiến Dũng.
Bà Nông Thanh Vân, phu nhân cố nhà báo Lý Tiến Dũng tặng tượng trưng cho đại diện chương trình hoạt động xã hội.
Cũng tại buổi giao lưu, bà Nông Thanh Vân, phu nhân của cố nhà báo Lý Tiến Dũng cho biết, gia đình quyết định sẽ dùng số tiền bán sách “Lý Tiến Dũng - Hành trình một cuộc đời” đợt đầu tiên để ủng hộ các chương trình hoạt động xã hội.
Được biết, một mạnh thường quân xin được giấu tên đã đăng ký mua 300 trong số 500 cuốn sách mà gia đình tặng cho chương trình.