Tôi rời mái trường phổ thông đã 27 năm, nhưng thỉnh thoảng có dịp nhìn lại những tấm hình đen – trắng chụp cách đây gần 30 năm, ngắm lại những gương mặt ngây thơ, ngô ngố của bạn bè và của chính mình, lại thấy nhớ một thuở học trò hồn nhiên, trong sáng.
Hồi xa xưa ấy, khái niệm về một bộ ảnh kỷ yếu là điều quá xa xỉ. Chúng tôi chung nhau gom tiền để mời thợ ảnh gần trường đến chụp chung cho cả lớp vài kiểu ảnh, mỗi nhóm chơi với nhau lại chụp chung vài kiểu, rồi mỗi đứa ít nhất có một kiểu ảnh cá nhân… Thế cũng là quá đủ.
Bao nhiêu năm qua, bạn bè nay có người thay đổi dáng hình, người béo, người gầy hơn xưa, nhưng tên tuổi, hoặc vị trí ngồi trong lớp - gặp lại nhau chẳng ai có thể quên. Hơn 40 tuổi, mỗi lần họp lớp vẫn “mày - tao” nhí nhố như thuở nào. Bởi lúc ấy chúng tôi đang sống lại ký ức của những ngày cháy bừng hoa phượng đỏ. Có cảm giác như mới vừa chia tay tuổi học trò hôm qua, hôm kia vậy…
Nhưng đó là chuyện của một thế hệ phụ huynh 7X. Bây giờ việc chụp ảnh kỷ yếu ở nhiều trường diễn ra đều đặn sau mỗi năm học. Con trai tôi 4 năm học THCS là 4 năm chụp ảnh kỷ yếu. Nhà trường không bắt buộc, nhưng khuyến khích các em nên lưu lại những bức hình đẹp để mãi nhớ về nhau. Mà mỗi một bộ ảnh như thế, in lên gỗ ép đâu có ít tiền. Đôi lần có phân tích với con về sự cầu kỳ, lãng phí, hãy để dành tiền cho một lần chụp ảnh vào năm cuối cấp, nhưng con không chịu. Cháu bảo tất cả các bạn trong lớp đều tham gia, tại sao bố mẹ lại không tạo điều kiện cho con…
Mới đây cô hàng xóm sang chơi, phàn nàn đầy ấm ức rằng cô con gái học lớp 12 xin 2,5 triệu đồng để cùng cả lớp đi chụp ảnh kỷ yếu dã ngoại. Việc chụp ảnh kỷ yếu của các bạn ấy sẽ diễn ra tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), có cả giáo viên chủ nhiệm và đại diện Ban phụ huynh đi cùng. Người mẹ ấy băn khoăn, rằng trong khi các con đang học năm cuối cấp, thay vì dành thời gian đi chụp hình, hãy toàn tâm toàn ý vào việc học để thi đỗ ĐH, CĐ; rằng có nên đầu tư ra một khoản tiền lớn như thế để con đi chụp ảnh cùng các bạn hay không, trong khi điều kiện kinh tế của gia đình cô chưa thực sự dư giả…
Khi mà không ít bố mẹ thấy phiền phức trước việc chụp ảnh kỷ yếu, thì đại đa phần các con lại không nghĩ thế. Có cháu còn chê bố mẹ đã “lạc hậu” quá rồi, chụp ảnh kỷ yếu để khoe đẳng cấp của lớp mình với lớp khác, trường mình với trường khác. Hơn thế là ở thời đại công nghệ, những bức hình ấy còn ngay lập tức được đưa lên mạng xã hội, tạo hiệu ứng… để các bạn khác phải “GATO” (ghen tị)
Làm thế nào để chụp ảnh kỷ yếu không tốn kém, mang đúng nghĩa là lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp, những khoảnh khắc hồn nhiên của tuổi học trò, khi tuổi teen sắp phải chia tay bè bạn thân quen…Có lẽ việc này cần có sự chia sẻ, phân tích của cả giáo viên chủ nhiệm. Chỉ có như thế, chụp ảnh kỷ yếu mới không trở thành trào lưu sống ảo.